Việc tham gia tố tụng của luật sư trong giai đoạn điều tra được quy định trong các văn bản pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 điều 58 BLTTHS 2003, người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can, được phép đặt câu hỏi với bị can nếu được sự đồng ý của điều tra viên; có quyền đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can… Tuy nhiên, việc tham gia tố tụng của luật sư trong giai đoạn điều tra gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn và mang nặng tính hình thức. Trong tất cả các vụ án hiện nay, khi đã có lời nhận tội của bị can thì luật sư mới được phép tham gia.
BLTTHS 2003 không quy định cho phép người bào chữa được tiếp xúc riêng tư với người bị tạm giữ, bị can trong Trại tạm giam. Việc quy định luật sư chỉ được phép hỏi khi điều tra viên đồng ý, đã hạn chế quyền của người bào chữa và đặt vị thế của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng rất bị động, hạn chế việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can.
BLTTHS 2003 chưa quy định quyền điều tra, thu thập chứng cứ của luật sư, cũng như cơ chế bảo đảm cho việc các cơ quan có liên quan hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của luật sư, cơ chế và hình thức xử lý nếu có vi phạm quyền bào chữa của người bị tình nghi phạm tội. Một số hoạt động tố tụng thiếu vắng sự tham gia hoặc chứng kiến của luật sư như khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, thu giữ vật chứng, bán đấu giá tài sản…
Các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng ở giai đoạn điều tra phần lớn không được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Đa phần các quyết định tố tụng, trả hồ sơ điều tra bổ sung… ít khi được gửi hoặc thông báo cho luật sư.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Chính vì những điểm bất cập trên mà cần có những biện pháp khắc phục như:
– Luật sư tham gia ngay khi khởi tố bị can (kể cả khi bị tam giữ) để bảo đảm tính khách quan. Trường hợp chỉ cho Luậtt sư tham gia lấy lời khai bị can sau khi đã có lời nhận tội của bị can như hiện nay, thì nên bỏ quy định bị can được Luật sư bào chữa ở giai đoạn điều tra.
– Xem xét nghiên cứu cho phép luật sư được quyền tiếp xúc riêng tư với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
– Nên sửa đổi theo hướng tăng phạm vi và thẩm quyền trong việc điều tra, thu thập chứng cứ của người bào chữa, trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chế tài xử lý đối với những hành vi can thiệp, ngăn cản hoạt động của người bào chữa.
– Mở rộng quyền của người bào chữa trong một số hoạt động tố tụng như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu giữ, xử lý vật chứng, bán đấu giá tài sản, phản biện hoạt động giám định.