Khi các quốc gia áp dụng luật nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý nhất định. Ở mỗi quốc gia các điều kiện, cơ sở và thể thức pháp lý về áp dụng luật nước ngoài là khác nhau. Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong tư pháp quốc tế?
Mục lục bài viết
- 1 1. Áp dụng pháp luật nước ngoài là gì?
- 2 2. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan:
- 3 3. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận:
- 4 4. Thể thức và xác định nội dung luật nước ngoài cần áp dụng trong tư pháp quốc tế Việt Nam:
- 5 5. Các tiêu chí cơ bản khi áp dụng pháp luật nước ngoài trong hệ thống tư pháp Việt Nam:
- 6 6. Thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong hệ thống tư pháp tại Việt Nam:
1. Áp dụng pháp luật nước ngoài là gì?
Áp dụng pháp luật nước ngoài là hoạt động thi hành pháp luật quốc gia thông qua việc áp dụng quy định của pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
2. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan:
Để điều chỉnh và giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế, một trong các cách phổ biến là quốc gia xây dựng một hệ thống các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật của mình và trong các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quốc gia thừa nhận và cho phép áp dụng luật nước ngoài và tất nhiên đây là một đòi hỏi thực tế khách quan đáp ứng việc củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ đa phương, đa diện của quốc gia với nước ngoài.
Trước hết, việc áp dụng pháp luật nước ngoài xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan. Yếu tố nước ngoài ở đây là một trong ba yếu tố: chủ thể (hai bên không cùng quốc tịch hoặc ít nhất một bên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài); khách thể của quan hệ ở nước ngoài; căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài.
Khi xuất hiện quan hệ tư pháp quốc tế thì hiện tượng xung đột pháp luật sẽ xảy ra vì khi đó hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh. Việc thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài hay không, áp dụng pháp luật nước ngoài nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể nào hoàn toàn thuộc về chủ quyền của các quốc gia. Tuy nhiên, trong xu hướng hiện nay, với mục đích tăng cường, củng cố và thúc đẩy sự phát triển bền vững các mối quan hệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài.
3. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận:
Hơn nữa, quan hệ Tư pháp quốc tế với bản chất là quan hệ dân sự nên một trong những nguyên tắc điển hình đó là tôn trọng sự thỏa thuận. Do vậy nếu áp đặt việc áp đặt phải áp dụng pháp luật của quốc gia thì sẽ không dung hòa được lợi ích của các quốc gia có liên quan. Điều này giúp điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế được khách quan và công bằng hơn, đảm bảo tốt nhất lợi ích của công dân tham gia quan hệ dân sự quốc tế. Đồng thời, việc áp dụng pháp luật nước ngoài đảm bảo sự ổn định, củng cố và phát triển hợp tác về mọi mặt trong giao lưu dân sự giữa các quốc gia vì sự thịnh vượng chung của cả thế giới; đáp ứng việc củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ đa phương, đa diện của quốc gia với nước ngoài.
Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được đặt ra khi có quy phạm xung đột dẫn chiếu tới vì quy phạm này xác định hệ thống pháp luật cụ thể nào có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hoặc có thể do các đương sự thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài. Quy phạm xung đột có thể được xây dựng trong hệ thống hệ thống pháp luật của quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia gồm cả điều ước quốc tế song phương và đa phương.
Trong xu thế toàn cầu hóa và tăng cường hợp tác, các quốc gia cùng nhau thỏa thuận để ban hành nên các quy phạm xung đột giúp giải quyết xung đột pháp luật, do đó, các quốc gia phải thực hiện các cam kết của mình một cách tận tâm, thiện chí. Nếu quốc gia nào thiếu thân thiện trong việc thực hiện các cam kết thì chính quốc gia đó sẽ bị giảm sút uy tín cũng như ảnh hưởng xấu tới việc thiết lập quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trên trường quốc tế.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có một số quy định về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong một số văn bản quy phạm pháp luật như
Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở lý thuyết và dường như chỉ được khai thác chủ yếu dưới góc độ nghiên cứu, giảng dạy mà lại được áp dụng rất hạn chế. Tại hội thảo “Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản trong Tư pháp quốc tế”, thẩm phán Ngô Thị Minh Ngọc thừa nhận “Chúng tôi chưa bao giờ áp dụng pháp luật nước ngoài khi giải quyết tranh chấp dân sự hay ly hôn”.
Thiết nghĩ đây là vấn đề cần khắc phục bởi việc áp dụng pháp luật nước ngoài trên cơ sở dẫn chiếu của quy phạm xung đột có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các bên tranh chấp. Song song với đó, khi áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vấn đề phát sinh cần phải luôn gắn với việc bảo đảm độc lập, chủ quyền, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm sự an ninh, ổn định chế độ xã hội chủ nghĩa và nền tảng pháp luật của nhà nước ta.
4. Thể thức và xác định nội dung luật nước ngoài cần áp dụng trong tư pháp quốc tế Việt Nam:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ áp dụng luật nước ngoài khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới.
Quy phạm xung đột có thể là quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam và quy phạm xung đột cũng có thể là trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong trường hợp quy phạm xung đột trong các điều ước quốc tế và quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam cùng điều chỉnh một quan hệ hoặc một nhóm quan hệ nhất định thì sẽ ưu tiên thi hành quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế Việt nam tham gia.
Khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới luật pháp nước ngoài có nghĩa là dẫn chiếu tới toàn bộ hệ thống pháp luật của nước đó không ngoại trừ luật nội dung, luật xung đột hay luật hình thức….Như vậy, khi áp dụng luật nước ngoài là áp dụng toàn bộ hệ thống pháp luật nước ngoài nên nó phải được giải thích , xác định nội dung và áp dụng toàn bộ để giải quyết vụ việc đúng như ở nước đã ban hành. Có thể nói đây là điều kiện kiên quyết để bảo hộ một cách thiết thực quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân của nước mình khi các quan hệ pháp luật liên quan đó đã phát sinh ở nước ngoài.
Về thực chất, đây là một vấn đề rất phức tạp và nó cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ở các nước về áp dụng luật nước ngoài. Yếu tố chủ quan đó là quan điểm, trường phái, là chính sách của nhà nước hiện hành. Yếu tố khách quan là cơ sở vật chất, là khả năng thực tế của các cơ quan thi hành, thực thi pháp luật của mỗi quốc gia.
Ở nước ta cơ quan tư pháp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác chỉ được áp dụng luật nước ngoài khi có quy phạm xung đột trong luật pháp Việt Nam và các điều ước của Việt Nam viện dẫn tới luật của nước ngoài đó.
5. Các tiêu chí cơ bản khi áp dụng pháp luật nước ngoài trong hệ thống tư pháp Việt Nam:
Áp dụng luật nước ngoài là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ dân sự quốc tế, đảm bảo sự ổn định, củng cố và phát triển hợp tác về mọi mặt trong giao lưu dân sự giữa các quốc gia vì sự thịnh vượng chung của cả thế giới. Song việc áp dụng luật nước ngoài phải đáp ứng một số tiêu chí cơ bản sau:
- Các cơ quan tư pháp có thẩm quyền cần áp dụng luật nước ngoài một cách thiện chí và đầy đủ. Điều này được hiểu là áp dụng cả hệ thống luật nước ngoài được viện dẫn , hệ thống luật nước ngoài được cơ cấu như thế nào, bằng những loại nguồn pháp luật nào đều phải được áp dụng mà không được loại bỏ một cách tùy tiện;
- Pháp luật nước ngoài phải được giải thích và thực thi về nội dung như ở chính nước nơi đó ban hành;
- Cơ quan tư pháp có thẩm quyền và cơ quan xét xử có nhiệm vụ tìm hiểu và xác định nội dung qua nghiên cứu văn bản pháp luật, qua thực tiễn hành pháp, tư pháp , tập quán , tài liệu… của nước hữu quan. Ngoài ra, có thể thông qua con đường ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài của nhà nước mình, cũng như thông qua các tổ chức tư vấn, công ty luật hoặc cơ quan nghiên cứu pháp lý để tìm hiểu luật nước ngoài một cách tốt nhất phục vụ cho việc xét xử. Các bên đương sự trong vụ việc cũng có quyền và trách nhiệm minh chứng, viện dẫn giải thích, vận dụng trước cơ quan xét xử để xác định nội dung đích thực của luật nước ngoài để bảo vệ lợi ích của mình.
6. Thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong hệ thống tư pháp tại Việt Nam:
Ở Việt Nam, để đảm bảo lợi ích của các bên đương sự một cách chính đáng và giữ gìn trật tự pháp luật của Nhà nước, các cơ quan tư pháp và tòa án có trách nhiệm tìm hiểu nội dung đích thực của luật pháp nước ngoài cần áp dụng như nghiên cứu luật nước ngoài, thực tiễn tòa án xét xử của họ, tập quán luật, thông lệ, án lệ và các tài liệu pháp lý trong và ngoài nước của các viện nghiên cứu….
Trong quá trình tố tụng các bên đương sự cũng có quyền đưa ra các bằng chứng về luật nước ngoài trước tòa để bảo vệ quyền lợi ích của mình, song việc xác định nội dung luật nước ngoài vẫn là nhiệm vụ chính của cơ quan xét xử thông qua hình thức tòa án hoặc trọng tài và các cơ quan này phải có cơ sở xác đáng để quyết định nội dung pháp luật phù hợp để sử dụng.
Trong trường hợp đã sử dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể xác định được nội dung luật nước ngoài thì tòa án phải áp dụng nguyên tắc xét xử luật tòa án để giải quyết vụ kiện. Đây là cách duy nhất và cuối cùng để đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các tranh chấp dân sự quốc tế.