Vay tín chấp không có khả năng thanh toán có bị cưỡng chế không? Nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
Vay tín chấp không có khả năng thanh toán có bị cưỡng chế không? Nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Hiện nay em đang vay trả góp bên FE và Home Credit và công ty tài chính Jacc với tổng số tiền là 100 triệu đồng, em đã trễ 3 kỳ góp và iện nay tổng đài đã gọi điện về và sẽ kiện em ra tòa và cưỡng chế, em rất sợ nhưng em không có tiền trả có bị vu vào tội chiếm đoạt tài sản không? Và em đi cải tạo rồi có phải trả nữa không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định của pháp luật thì bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ trả nợ của bên vay được cụ thể hóa tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn vay tín chấp của 3 đơn vị khác nhau, đến hạn bạn không trả nợ được thì các bên cho vay tín chấp bạn có quyền làm đơn khởi kiên ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bạn phải trả nợ. Sau khi bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã tuyên có hiệu lực thì sẽ được chuyển sang cho cơ quan thi hành án dân sự; nếu bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì tùy vào từng trường hợp mà có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau theo quy định nếu có đủ điều kiện để áp dụng.
Về việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nếu bạn ngay từ đầu có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hoặc sau khi vay tiền mà có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc sử dụng số tiền vay không đúng mục đích (dùng tiền vay để đánh bạc,…) dẫn đến mất khả năng thanh toán thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009. Còn nếu không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999 thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.