Luật sư cho em hỏi, em có thể ra Công an để kiện người vay tiền mình mà không trả tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em có cho một anh người quen mượn số tiền 120 triệu đồng. Khi mượn anh ấy nói dùng để làm ăn với người em vợ, và hứa trả em lãi suất một tháng 7%. Khi nào cần lấy lại, em chỉ cần báo trước một tháng anh ấy sẽ trả đủ lãi và gốc. Anh ấy có làm giấy mượn nợ viết tay cho em nhưng trong giấy viết tay không có ghi lãi suất và thời hạn trả gốc. Sau này, em có nhu cầu lấy lại, nhưng anh ấy đã hứa hẹn nhiều lần, từ đó đến nay cũng đã mấy tháng rồi. Sau này, để trấn an em, anh ấy đã đưa ra 1 tờ giấy hẹn của Cục thi hành án dân sự về việc có người trả tiền anh và trong giấy hẹn có ghi ngày đến lấy tiền. Lúc đó, em có dùng điện thoại chụp lại được tờ giấy hẹn đó, nhìn không rõ lắm nhưng vẫn thấy đầy đủ các từ trong giấy hẹn. Khi đã qua ngày hẹn của giấy hẹn, anh ấy vẫn không trả và đưa ra nhiều lý do, em đã liên hệ trực tiếp với Cục thi hành án dân sự thì phát hiện giấy đó anh ta làm giả để cố tình kéo dài thời gian. Vậy Luật sư cho em hỏi, em có thể ra Công an để kiện anh ấy tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước được không? Em rất mong nhận được sự tư vấn của các Luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Bạn có được kiện người vay tiền về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
…”
Theo đó, dấu hiệu bắt buộc của tội này là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Trong đó, “dùng thủ đoạn gian dối” có thể hiểu là đưa ra các thông tin giả, không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin là thật sau đó giao tài sản cho người phạm tội và “chiếm đoạt tài sản” là hành vi có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối nói trên Trong trường hợp của anh, cần phải xác định xem người vay tiền nói cần tiền để làm ăn với người em vợ có là thông tin thật không; đồng thời cần xem xét ý chí của người thực hiện hành vi phạm tội nảy sinh ý định chiếm đoạt trước hay sau khi lừa dối anh, bởi đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người phạm tội cần nảy sinh hành vi chiếm đoạt trước khi dùng thủ đoạn gian dối. Theo quan điểm của công ty, do anh và người vay tiền đã thực hiện một hợp đồng dân sự về việc vay tiền (giấy vay nợ), nhưng sau đó do người vay tiền không có khả năng chi trả, thông qua việc nhiều lần thất hẹn, làm giả giấy tờ,… để khiến anh tin tưởng, từ đó kéo dài thời gian vay nợ nên anh có thể kiện người vay tiền về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính là sự chuyển hóa từ giao dịch dân sự (vay. mượn, thuê tài sản, giao dịch qua hợp đồng) hợp pháp sang hành vi phạm tội khi có sự vi phạm giao dịch dân sự dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản kèm theo mục đích chiếm đoạt. Theo đó:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
…”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Bạn có được kiện người vay tiền về Tội làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước.
Làm giả giấy tờ là hành vi của người không có chức vụ, quyền hạn cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó giống như thật bằng những thủ đoạn, phương pháp khác nhau và sử dụng chúng với mục đích trái pháp luật. Trong trường hợp của anh, người vay tiền đã làm giả giấy tờ của Cục thi hành án dân sự để khiến anh tin tưởng, từ đó trốn tránh nghĩa vụ trả tiền (mục đích trái pháp luật), nên anh hoàn toàn có thể kiện người vay tiền lên cơ quan có thẩm quyền về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tại Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)
“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
…"
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Kim Dung