Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật hiện nay được xem là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, văn phòng đại diện sẽ thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm đại diện theo ủy quyền xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp. Vậy thì văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân hay không?
Mục lục bài viết
1. Văn phòng đại diện có tư cách pháp nhân hay không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Văn bản hợp nhất
– Chi nhánh là khái niệm để chỉ các đơn vị phụ thuộc của các doanh nghiệp, chi nhánh có nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện toàn bộ hoặc thực hiện một phần chức năng của doanh nghiệp, xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền đối với doanh nghiệp đó. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh theo quy định của pháp luật bắt buộc phải đúng với ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền;
– Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật là khái niệm để chỉ các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, văn phòng đại diện có chức năng và nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ tất cả các lợi ích đó. Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật sẽ không được phép thực hiện các chức năng kinh doanh của doanh nghiệp trên thực tế;
– Địa điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật là khái niệm để chỉ nơi các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể trên thực tế.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về pháp nhân. Cụ thể như sau:
– Một tổ chức theo quy định của pháp luật sẽ được công nhận là pháp nhân khi các tổ chức đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cơ bản sau đây:
+ Tổ chức đó được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
+ Tổ chức đó có cơ cấu tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015;
+ Đó là tổ chức có tài sản độc lập với các cá nhân, độc lập với các pháp nhân khác, đồng thời có khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình;
+ Nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và tự chủ.
– Đồng thời, mọi cá nhân và pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan có quy định khác.
Theo đó thì có thể nói, một tổ chức sẽ được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như sau:
– Tổ chức đó được thành lập theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức phù hợp với quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Có tài sản độc lập với các cá nhân và pháp nhân khác, có khả năng tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình;
– Nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và tự chủ.
Tất cả các điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật về cơ bản vẫn sẽ có sự phụ thuộc vào trụ sở chính của doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động đại diện dưới dạng ủy quyền cho các doanh nghiệp và xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp đó. Vì vậy, văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân, văn phòng đại diện không trực tiếp tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách độc lập theo quy định của pháp luật, không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành một pháp nhân căn cứ theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015 theo như phân tích nêu trên.
2. Văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 385 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về khái niệm hợp đồng. Theo đó, hợp đồng là sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về đại diện của pháp nhân. Căn cứ theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về đại diện của pháp nhân, theo đó đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc cũng có thể là đại diện theo ủy quyền, những người được xác định là người đại diện của pháp nhân sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đại diện căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo đó thì có thể nói, từ các điều luật phân tích nêu trên, hoàn toàn có thể hiểu rằng văn phòng đại diện sẽ không được đương nhiên có quyền tiến hành thủ tục giao kết các hợp đồng hoặc tham gia giao dịch dân sự, mà thay vào đó quyền này sẽ được phát sinh khi người đại diện của doanh nghiệp tiến hành thủ tục ủy quyền lại cho người đứng đầu của các văn phòng đại diện.
Vì vậy, dù không có tư cách pháp nhân tuy nhiên văn phòng đại diện vẫn hoàn toàn có thể ký kết hợp đồng khi người đứng đầu văn phòng đại diện nhận được sự hủy quyền của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.
3. Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 72 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện. Theo đó, hoạt động chấm dứt văn phòng đại diện sẽ được tiến hành theo các giai đoạn như sau:
Bước 1: Văn phòng đại diện phải thực hiện thủ tục đăng ký với các cơ quan thuế để tiến hành đầy đủ thủ tục nộp tài chính, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi thông báo chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện đó.
Bước 2: Trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, doanh nghiệp sẽ cần phải gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện đến cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt văn phòng đại diện đó. Tuy nhiên cần phải lưu ý, trong trường hợp chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, kèm theo thông báo cần phải có quyết định, nghị quyết hoặc bản sao của biên bản họp hội đồng thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên, công ty hợp doanh, quyết định của hội đồng quản trị đối với loại hình công ty cổ phần. Quyết định hoặc nghị quyết của chủ sở hữu công ty đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên về quá trình chấm dứt hoạt động của các chi nhánh và văn phòng đại diện.
Bước 3: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông tin về việc văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động cho các cơ quan thuế theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời gian 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan có thẩm quyền đó là phòng đăng ký kinh doanh, các cơ quan thuế cần phải gửi ý kiến về việc hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế của văn phòng đại diện đến phòng đăng ký kinh doanh đó. Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện hoạt động chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, sau đó cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không nhận được ý kiến từ chối của các cơ quan thuế. Đồng thời, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định thông báo về việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: