Mỗi cơ quan chuyên môn được ra đời luôn gắn liền với một chủ thể nhất định, giữa các chủ thể có mối quan hệ mật thiết trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hoặc cũng có thể, sự phát triển và vận hành tốt của cơ quan này dựa trên sự vận hành và phát triển của cơ quan khác, điển hình là văn phòng Chủ tịch nước.
Mục lục bài viết
1. Văn phòng Chủ tịch nước là gì?
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước; có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Văn phòng Chủ tịch nước trong Tiếng anh là “Office of the President”.
2. Nhiệm vụ của văn phòng Chủ tịch nước:
– Tổ chức nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
– Phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật liên quan đến lĩnh vực lập pháp.
– Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
– Phối hợp với
– Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
– Phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước về các hoạt động đối nội; đi công tác địa phương; công tác thi đua, khen thưởng.
– Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước về các hoạt động đối ngoại, đi công tác nước ngoài.
– Phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ công tác đảng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.
– Tổ chức phục vụ Chủ tịch nước thực hiện Quy chế phối hợp công tác với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
– Tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật các đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch nước.
– Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức phục vụ chương trình, kế hoạch công tác của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
– Tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước ban hành Lệnh, Quyết định, kiểm tra, giám sát thực hiện Lệnh, Quyết định theo quy định của pháp luật; tổ chức công bố và chịu trách nhiệm thi hành Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước.
– Tổ chức và quản lý công tác thông tin, nghiên cứu khoa học, đề án, dự án; bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
– Bảo đảm các điều kiện về vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch nước; quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước.
– Quản lý tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người lao động theo quy định của Đảng và Nhà nước.
– Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước giao hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức của Văn phòng Chủ tịch nước:
Văn phòng Chủ tịch nước bao gồm Chủ nhiệm (Chairman/Chairwoman of the Office of the President) , các Phó Chủ nhiệm Văn phòng (Vice Chairman/Chairwoman of the Office of the President) ;Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và các vụ:
– Vụ Pháp luật;
– Vụ Tổng hợp;
– Vụ Đối ngoại;
– Vụ Thi đua – Khen thưởng;
– Vụ Tổ chức – Hành chính;
– Vụ Quản trị – Tài vụ;
– Vụ Quốc phòng – An ninh.
Việc thành lập hoặc bãi bỏ các vụ, đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các vụ, đơn vị do Chủ nhiệm Văn phòng quyết định sau khi trình xin ý kiến Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
Trợ lý, Thư ký giúp việc trực tiếp cho Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước do Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước quyết định theo quy định.
Chủ tịch nước ký bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Trợ lý Chủ tịch nước, Trợ lý Phó Chủ tịch nước theo quy định.
Sau khi Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đồng ý, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước quyết định phân công và bổ nhiệm cán bộ, công chức đảm nhiệm Thư ký Chủ tịch nước, Thư ký Phó Chủ tịch nước.
Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và cấp tương đương do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hiện nay là Ông Lê Khánh Hải.
Hai phó chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước là Bà Phan Thị Kim Oanh và Ông Phạm Thanh Hà.
– Biên chế:
Biên chế của Văn phòng Chủ tịch nước được xác định theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan. Căn cứ vào tình hình thực tế, Văn phòng Chủ tịch nước xây dựng biên chế trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Để hỗ trợ công tác nghiên cứu tham mưu, Văn phòng Chủ tịch nước được lập các nhóm chuyên gia, cộng tác viên (gồm cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, kể cả cán bộ, công chức đã nghỉ hưu) làm nhiệm vụ cố vấn, tư vấn. Chế độ làm việc và thù lao đối với nhóm chuyên gia, cộng tác viên do Chủ nhiệm Văn phòng quy định.
– Nguyên tắc và chế độ làm việc
Văn phòng Chủ tịch nước làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp chế độ Thủ trưởng và chế độ chuyên viên.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước là người đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước về mọi mặt công tác của Văn phòng.
Các Phó Chủ nhiệm Văn phòng giúp Chủ nhiệm Văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ nhiệm Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước về nhiệm vụ được phân công.
Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trực tiếp nhận nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả công việc trước Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước về hành chính trong việc thực hiện các nội quy, quy định của Văn phòng Chủ tịch nước và các quy định của Đảng, Nhà nước.
4. Thực trạng hoạt động của Văn phòng Chủ tịch nước trong năm 2020:
Năm 2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, tập thể Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng đã làm tốt công tác tư tưởng chính trị đối với cán bộ, công chức và người lao động; triển khai học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong thời gian tới Văn phòng Chủ tịch nước cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, phục vụ; đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, trao đổi thông tin, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển công nghệ thông tin, hiện đại hóa công sở; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, người lao động; tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện hệ trọng của đất nước trong năm 2021.
Cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước tự hào có những đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Năm 2020 có nhiều biến động, nhưng cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ. Điều này chứng tỏ, vai trò của văn phòng chủ tịch nước ngày càng được tỏ rõ và phát huy hết tiềm năng.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 585-QĐ/CTN quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của văn phòng chủ tịch nước.