Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ trở thành công cụ hết sức quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Bài viết dưới đây trình bày về vấn đề: Vai trò và ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Vai trò, ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp:
1.1. Tổng quát về quyền sở hữu trí tuệ:
Xuất phát từ bản chất pháp lý nên quyền sở hữu trí tuệ có thể được tiếp cận theo nhiều tiêu chí khác nhau, cụ thể như sau:
Thứ nhất, dưới góc độ lý luận, quyền sở hữu trí tuệ có thể được hiểu theo hai phương diện. Theo phương diện khách quan thì quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, xác lập và sử dụng cũng như định đoạt các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Còn theo phương diện chủ quan thì quyền sở hữu trí tuệ là tập hợp các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các cá nhân và tổ chức đối với đối tượng sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, theo đối tượng quyền. Quyền sở hữu trí tuệ được chia làm ba nhánh tùy thuộc vào đối tượng quyền: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Các nhánh quyền này được tiếp cận theo cách thức liệt kê đối tượng cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Khi cá nhân và tổ chức có được quyền sở hữu trí tuệ thì thực chất đây là việc nhà nước chấp nhận bảo hộ quyền này cho các cá nhân và tổ chức đó. Hiện nay không ít quan điểm cho rằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là sự công nhận quyền về mặt pháp lý mà còn là sự đảm bảo của nhà nước đối với quyền được công nhận trong thực tế. Như vậy thì bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hai giai đoạn kế tiếp nhau chứ không phải bao hàm nhau trong quá trình điều chỉnh pháp luật các quan hệ sở hữu trí tuệ.
1.2. Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp:
Quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thực tế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như khoa học và công nghệ trung hạn, dài hạn của các doanh nghiệp đối với đất nước thì quyền sở hữu trí tuệ được coi là một trong những yếu tố quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, đổi mới khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực của doanh nghiệp. Cơ chế bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo cũng như đổi mới. Với việc thừa nhận và đảm bảo quyền của các chủ thể sáng tạo bằng pháp luật, hệ thống sở hữu trí tuệ đã góp phần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để những người hoạt động khoa học và công nghệ, kinh doanh thương mại an tâm đầu tư và cống hiến cho hoạt động nghiên cứu các ý tưởng mới và đổi mới sản phẩm, từ đó làm gia tăng giá trị và cấu trúc tài sản vật chất và tinh thần cho xã hội.
Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh và lành mạnh hóa thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế. Hệ thống bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả đã góp phần đắc lực ngăn chặn các hành vi xâm phạm (sao chép và làm giả, hàng nhái …) đang khá phổ biến, cảm cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp. Việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc và bộ máy thực thi pháp luật hiệu quả có vai trò lớn trong xử lý và đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo môi trường pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tự tin gia nhập các thị trường hàng hóa dịch vụ trong nước, trong khu vực và trên toàn cầu.
Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích phổ biến và chuyển giao công nghệ, cũng như tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Quyền sở hữu trí tuệ được xem như một tài sản quan trọng trong thương mại, là động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Hệ thống bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh có hiệu quả là yếu tố quyết định thúc đẩy việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, thương mại hàng hóa và suất nhập khẩu công nghệ, giúp nâng cao năng suất chất lượng và cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, phát triển năng lực công nghệ nội sinh và thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành và các lĩnh vực. khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ và bảo vệ có hiệu quả thì các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ được tiếp thêm động lực để quyết định đầu tư và ngược lại, một môi trường bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém sẽ làm nặng lòng các nhà đầu tư bởi sự e ngại các quyền của mình không được bảo đảm an toàn. Hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia hiệu quả là một đảm bảo cho các nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn đối tác và thị trường đầu tư, góp phần thu hút và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ tư, quyền sở hữu trí tuệ có giá trị lớn. Giá trị của quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng ngày càng gia tăng với tỷ trọng ngày càng lớn so với giá trị tài sản hữu hình của các doanh nghiệp.
2. Ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp:
Ý nghĩa của Sở hữu trí tuệ được thể hiện rõ nhất với các doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp đang sử dụng và sẽ sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa trong việc giúp doanh nghiệp tổ chức lại hệ thống dữ liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin của đối thủ cạnh tranh, đồng thời tránh khỏi việc xâm hại quyền sở hữu trí tuệ bất hợp pháp.
Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa trong việc khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của các sản phẩm, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.
3. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ:
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ là các quan hệ sở hữu trí tuệ, tức các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân liên quan đến việc tạo ra, xác lập, sử dụng, định đoạt và bảo vệ quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Quan hệ sở hữu trí tuệ khá đa dạng và có thể phân nhóm theo đối tượng, bao gồm:
– Quan hệ về quyền tác giả; quan hệ về quyền liên quan;
– Quan hệ về quyền sở hữu công nghiệp;
– Quan hệ về quyền đối với giống cây trồng mới.
Quan hệ về quyền tác giả là những quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức từ việc sáng tạo tác phẩm và tiếp theo là bảo hộ, sử dụng, định đoạt và bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Quan hệ về quyền liên quan là các quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức từ việc: thực hiện cuộc biểu diễn; tạo ra bản ghi âm, ghi hình; thực hiện việc phát sóng; khai thác, sử dụng và đảm bảo thực hiện quyền đối với các đối tượng này. Quan hệ về quyền sở hữu công nghiệp là các quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức từ việc: ra các đối tượng sở hữu công nghiệp; bảo hộ, sử dụng, định đoạt và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng này. Các quan hệ về quyền sở hữu công nghiệp có hai loại đối tượng khá rõ nét: nhóm đối tượng là kết quả sáng tạo kĩ thuật – công nghệ, nghệ thuật (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kĩ thuật, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) và nhóm đối tượng là các chỉ dẫn thương mại (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí và các chỉ dẫn thương mại khác). Quan hệ về quyển đối với giống cây trồng là các quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức từ việc: tạo ra giống cây trồng mới; bảo hộ, sử dụng, định đoạt và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng mới. Đây là các quan hệ đối với kết quả sáng tạo là giống cây trồng mới được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.