Vai trò của Hòa giải viên tại Tòa án? Quyền của Hòa giải viên tại Tòa án? Nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án?
Hòa giải trong tố tụng là một trong những vấn đề trọng tâm khi giải quyết vụ án dân sự, dựa trên triết lý cố gắng cứu vớt quan hệ dân sự giữa các bên. Hòa giải bên cạnh là sự nỗ lực của hai bên thì vai trò của Hòa giải viên là cực kỳ quan trọng nhằm định hướng và dẫn dắt tiến trình hòa giải. Vậy, vai trò thực sự của Hòa giải viên là gì? Với một ví trí được bổ nhiệm với các tiêu chuẩn chặt chẽ, Hòa giải viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được trao các quyền, nghĩa vụ như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý: Luật Hòa giải đối thoại tại
Trong hầu hết các bài viết của Luật Dương Gia về Hòa giải viên tại
Mục lục bài viết
1. Vai trò của Hòa giải viên tại Tòa án?
Vai trò của Hòa giải viên tại Tòa án không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào mà được xây dựng dựa trên thực tế và dựa trên các quyền, nghĩa vụ mà họ được pháp luật ấn định. Vai trò của Hòa giải viên gắn với tiến trình hòa giải, trong đó, Hòa giải viên là người tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Hòa giải viên giữ vai trò trung gian, vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hòa giải. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên luôn là người kết hợp cả tình và lý để đạt hoạt động hòa giải đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Hòa giải viên tham gia hòa giải được xem như đại diện của một cơ quan (Tòa án) hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp mà không mang bản chất sử dụng quyền lực nhà nước để áp đặt ý chí. Hòa giải viên chỉ là một bên trung gian đóng vai trò điều hành và “làm cầu nối” để quá trình hòa giải được diễn ra tốt đẹp và đi đến kết quả là hòa giải thành. Vai trò của Hòa giải viên ở đây cơ bản giống như bất kỳ bên thứ ba làm trung gian hòa giải nào đối với quá trình giải quyết tranh chấp, kể cả trong giải quyết tranh chấp về thương mại ngoài tố tụng.
2. Quyền của Hòa giải viên tại Tòa án?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, quyền của Hòa giải viên được pháp luật trao cho khá rộng, theo đó, có 11 quyền cơ bản, do đó, ở mục này, tác giả chỉ phân tích các quyền quan trọng và có ý nghĩa đối với hoạt động hòa giải.
Thứ nhất, quyền được tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính.
Đây là quyền cơ bản của hòa giải viên để họ thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng của mình. Hòa giải vụ việc dân sự là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự (Khoản 2, Điều 2, Luật); Còn đối thoại khiếu kiện hành chính là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (Khoản 3, Điều 2, Luật). Quyền tiến hành hòa giải cho phép Hòa giải viên được tổ chức, điều hành, theo sát tiến trình hòa giải, là cá nhân thực hiện hết tất cả các thủ tục pháp lý, kế hoạch hòa giải được diễn ra tại buổi hòa giải.
Thứ hai, quyền được yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện; các thông tin, tài liệu liên quan khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.
Đây là quyền nhằm giúp Hòa giải viên nắm bắt được các thông tin cần thiết trong một vụ tranh chấp, khiếu kiện, từ đó đưa ra được những nhận định, những kiến thức pháp lý cần thiết để giải thích, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Các thông tin, tài liệu phải thực sự có giá trị, việc yêu cầu có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
Thứ ba, quyền được từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải là văn bản ghi nhận lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải. Việc từ chối lập biên bản trong trường hợp này nhằm đảm bảo trật tự pháp luật, yêu cầu mang tính nguyên tắc được đặt ra đối với mọi thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các bên trong quan hệ xã hội.
Thứ tư, quyền được mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện.
Quyền này nhằm đảm bảo cho hoạt động hòa giải đạt được hiệu quả cao hơn, việc mời người có uy tín hay tham khảo ý kiến của người có chuyên môn là cách để Hòa giải viên tiếp cận được với những nội dung có tính chuyên nghiệp hơn, tối ưu hơn và cũng tác động tới ý chí của các bên trong quá trình hòa giải hơn.
Thứ năm, quyền được cấp thẻ Hòa giải viên.
Thẻ hòa giải viên được coi là hình thức biểu hiện tư cách của Hòa giải viên, tức là nếu không xét đến nội dung bên trong thì người có thể Hòa giải viên là Hòa giải viên và được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Do đó, quyền được cấp thẻ cho phép Hòa giải viên có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền cấp thẻ trong sau khi được bổ nhiệm vào vị trí hòa giải viên.
3. Nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án?
Nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án được quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, với 8 nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Nếu như pháp luật trao quyền tiến hành hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên, thì nghĩa vụ của họ là phải thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, điều này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của quá trình hòa giải, đồng thời đảm bảo được quyền, lợi ích của các bên cũng như trật tự pháp lý mà pháp luật ấn định.
Thứ hai, tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan. Với cá nhân trung gian hỗ trợ các bên hòa giải, Hòa giải viên chỉ tuân theo pháp luật, tính độc lập dựa trên các quyền các pháp luật quy định, sự vô tư, khách quan phải được thể hiện thông qua việc không thiên vị, tôn trọng hai bên và không đưa ra ý chí ép buộc các bên phải thực hiện.
Thứ ba, bảo đảm bí mật thông tin theo quy định của Luật này. Đây là nghĩa vụ quan trọng, đặc biệt đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, và khiếu kiện hành chính, việc đảm bảo bí mật thông tin nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia hòa giải, cũng như đảm bảo quyền được giữa bí mật thông tin của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, không ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ. Hòa giải viên chỉ được hướng dẫn, thuyết phục, có thể đưa ra ý kiến cho các bên tham khảo mà không được ép buộc các bên hòa giải, đối thoại phải thực hiện theo, bởi bản chất Hòa giải viên tham gia không có quyền lực nhà nước, các bên tham gia cũng không cần phải nghe theo những điều mà Hòa giải viên ấn định trái với ý chí của mình.
Thứ năm, không được nhận tiền, lợi ích từ các bên. Hòa giải viên có quyền được hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ, mà không có bất kỳ khoản tiền, lợi ích nào khác, việc nhận tiền, lợi ích có thể dẫn đến việc Hòa giải viên bị xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ sáu, từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 của Luật này. Đây là các nghĩa vụ nhằm bảo đảm hoạt động của Hòa giải viên phải thực sự vô tư, khách quan trong trường hợp họ vừa là Hòa giải viên vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại; hay có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ; hoặc không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Thứ bảy, tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên, nếu nội dung thỏa thuận, thống nhất đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Nghĩa vụ tôn trọng này được thể hiện rõ nhất thông qua biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đây cũng là nghĩa vụ bao quát các nghĩa vụ còn lại, nhằm đảm bảo đúng bản chất của hòa giải và vai trò của hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ,dân sự.
Thứ tám, từ chối tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đối với vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành và được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nghĩa vụ này liên quan đến kết quả hòa giải không thành và Hòa giải viên đồng thời là người tiến hành tố tụng, sau đó những người này không thể được tiếp tục giải quyết vụ việc mà mình đã giải quyết nhằm đảm bảo sự khách quan do đã có sự tác động ý chí trước đó.