Pháp luật thuế có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo một môi trường chính trị, kinh tế - xã hội ổn định, tiến bộ, làm nền tảng, cơ sở vững chắc cho công cuộc hội nhập và phát triển.
1. Pháp luật thuế tạo cơ sở pháp lý quan trọng và ổn định cho nguồn thu, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của nhà nước
Pháp luật thuế bao gồm các quy phạm pháp luật xác định quyền thu thuế của nhà nước, nghĩa vụ nộp thuế của chủ thể đủ điều kiện. Điều này có nghĩa nguồn thu từ thuế chỉ có được khi các bên thực hiện đúng quy định pháp luật thuế.
Trước hết, cần khẳng định nguồn thu từ thuế có vị trí quyết định đến cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhà nước ban hành pháp luật thuế và ấn định các loại thuế áp dụng đối với các
pháp nhân và thể nhân trong xã hội. Cũng như Luật nói chung, pháp luật thuế có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mục đích chủ yếu và quan trọng nhất của sự điều chỉnh quan hệ pháp luật thu – nộp thuế là nhằm tạo quỹ ngân sách nhà nước. Việc các chủ thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đã tạo ra nguồn thu tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách. Như vậy, nguồn thu từ thuế có vị trí quyết định đến cơ cấu nguồn thu ngân sách nhừ nước.
Đối với nước ta, xuất phát từ vai trò của nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nên hoạt động thu ngân sách nhà nước càng trở nên quan trọng và cần thiết. Điều này đã một lần nữa gián tiếp khẳng định tầm quan trọng của pháp luật thuế.
Theo kết quả nghiên cứu về lịch sử tồn tại của thuế qua các thời kì, ở các quốc gia
đã cho thấy: thu từ thuế chiếm phần lớn tổng tổng thu ngân sách nhà nước. Ở Việt Nam, từ những năm 1990 trở lại đây, nguồn thu từ thuế đáp ứng phần lớn các khoản chi tiêu ngân sách nhà nước. Các luật thuế ban hành đều xác nhận: “động viên một phần thu nhập vào ngân sách nhà nước” như một lý do cơ bản. Khoản thu từ thuế chiếm khoảng 90% tổng thu ngân sách nhà nước, ta có thể thấy rõ qua biểu số sau:
Điều 8 – Luật ngân sách nhà nước cũng quy định: “Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào đầu tư phát triển”.
Với những lý do đó, bất kì quốc gia nào cũng cần phải có và mong muốn có được hệ thống pháp luật thuế đầy đủ với tư cách là căn cứ pháp lý vững chắc để tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Mọi thay đổi về cơ cấu hệ thống luật thuế, nọi dung từng luật thuế đều ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thu ngân sách nhà nước từ thuế. Vì vậy, có thể khẳng định vai trò của pháp luật thuế trong việc tạo căn cứ pháp lý hình thành nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
2. Pháp luật thuế được sử dụng như một công cụ điều tiết nền kinh tế, thực hiện đường lối trong một thời kì nhất định của nhà nước
Ngoài việc huy động nguồn thu cho ngân sách như nước, pháp luật thuế còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế. Là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật thuế đóng vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước. Thông qua việc ban hành và thực hiện pháp luật thuế, Nhà nước thể chế hóa và thực hiện chính sách điều tiết đối với nền kinh tế, điều tiết thu nhập và tiêu dùng xã hội.
Nhà nước, bằng pháp luật có khả năng quản lý, điều tiết tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bằng hệ thống pháp luật thuế, nhà nước thể hiện ý chí của mình đối với đường lối phát triển kinh tế một cách gián tiếp, thông qua đó thực hiện công bằng xã hội. Trong nên kinh tế thị trường, các tổ chức, các cá nhân có thể tồn tại và vận động theo nhu cầu và lợi ích của chính mình điều này có thể tổn thương đến trật tự xã hội cũng như định hướng của nhà nước trong từng giai đoạn ở mỗi quốc gia. Giải quyết vấn đề này, pháp luật thuế có thể làm thay đổi hoặc can thiệp gián tiếp vào hoạt động, vào quyết định đầu tư của các chủ thể nhằm đạt tới mục tiêu nhất định của nhà nước. Thông qua hệ thống pháp luật thuế, nhà nước có thể thay đổi cơ cấu đầu tư, cơ cáu ngành kinh tế mà không cần can thiệp hành chính. Để thực hiện cơ cấu đầu tư định trước pháp luật thuế có những quy định cụ thể khác nhau giữa nghĩa vụ thuế của đối tượng ưu tiên và đối tượng bị hạn chế. Chính điều này sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tìm kiếm thu nhập của đối tượng đầu tư, qua đó có thể làm thay đổi luồng chu chuyển vốn từ khu vực đầu tư này sang khu vực đầu tư khác. Pháp luật thuế các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều phản ánh rõ vai trò nêu trên. Chẳng hạn, việc quy định đánh thuế hay không đánh thuế, mức thuế suất khác nhau đối với từng ngành nghề, các mặt hàng hay các loại thu nhập đều có thể tác động đến các ngành, nghề, qua đó đảm bảo sự phát triển cân đối ngành nghề trong nền kinh tế.
Hệ thống pháp luật thuế cũng có khả năng định hướng chi tiêu xã hội, điều chỉnh thu nhập trong từng trường hợp cần thiết. Việc tiêu dùng xã hội, ở mỗi quốc gia có những định hướng khác nhau tùy theo điều kiện thực tế. Pháp luật thuế Việt Nam ghi nhận rõ sự hạn chế chi tiêu của các đối tượng đối với hàng hóa, dịch vụ chưa thực sự phù hợp với giai đoạn hiện tại. Trong đó lại khuyến khích, tạo cơ hội tối đa cho mọi đối tượng có thể tiếp cận đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các quy định của pháp luật thuế nhà nước chủ động can thiệp đến cung – cầu của nền kinh tế ở tất cả các giai đoạn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, và nếu sự tác động điều chỉnh đó là hợp lý sẽ có tác động lớn đến ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Với cơ chế thị trường như ở nước ta hiện nay thì tình trạng suy thoái về tài chính ở một số doanh nghiệp là điều không tránh khỏi. Ngoài các quy định chung, pháp luật thuế còn có các quy định ưu đãi, miễn, giảm thuế nhằm khắc phục sự suy thoái về tài chính, tạo sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp.
Như vậy, pháp luật thuế góp phần khuyến khích khai thác nguyên liệu, vật tư trong nước để đáp ứng như cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thông qua pháp luật thuế, nhà nước có tác động tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển trên cơ sở tận dụng và sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực của đất nước trong việc điều chỉnh cung – cầu và cơ chế kinh tế. Ở Việt Nam, bên cạnh vai trò chung đối với nền kinh tế – xã hội pháp luật thuế còn được nhà nước sử dụng như một công cụ thể hiện chính sách xã hội.
3. Pháp luật thuế là công cụ góp phần đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công bằng xã hội
Hệ thống pháp luật thuế mới được áp dụng thống nhất chung cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư nhằm đảm bảo sự bình đẳng và công bằng xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi thể nhân và pháp nhân. Sự bình đẳng công bằng và được thể hiện thông qua chính sách động viên giống nhau giữa các đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có những điều kiện hoạch động giống nhau, đảm bảo sự bình đẳng và công bằng.
Điều tiết thu nhập cũng đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sự vận động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường đòi hỏi nhà nước phải sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau để khắc phục sự mất cân đối về mặt xã hội trong đó có mất cân đối về thu nhập. Nhà nước sử dụng pháp luật thuế làm công cụ điều tiết vĩ mô thu nhập trong xã hội thông qua các quy định của pháp luật thuế.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Có thể khẳng định pháp luật thuế có vai trò quan trọng trong việc giúp nhà nước thực hiện các chính sách xã hội của mình. Nhà nước điều tiết thu nhập, hạn chế khoảng cách giàu nghèo, góp phần thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội. Bằng những quy định của pháp luật thuế, nhà nước phát huy trách nhiệm của mỗi cá thể đối với cộng đồng xã hội.
4. Pháp luật thuế được sử dụng như một công cụ để kiểm tra gián tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh
Để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ thuế, các cơ quan quản lý thuế cùng với đối tượng nộp thuế buộc phải quan tâm và tuân thủ những quy định gắn với chế độ chứng từ hóa đơn, nội dung kinh doanh, quy mô kinh doanh, hình thức kinh doanh, cơ cấu tổ chức… Điều đó cũng có nghĩa bằng việc quy đinh những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế, nhà nước gián tiếp quản lý nền kinh tế. Trên cơ sở đó có hệ thống pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp với định hướng trong từng giai đoạn ở tầm vĩ mô cũng như tìm biện pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng nộp thuế ở tầm vi mô. Mặt khác, cũng thông qua việc kiểm tra việc tuân thủ pháp luật thuế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có khả năng phát hiện và xử lí kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế nói riêng và vi phạm trong quá trình hoạt động gắn với tư cách của đối tượng nộp thuế nói chung.
5. Nhà nước tiến hành bảo hộ đối với nền sản xuất trong nước thông qua pháp luật thuế
Để bảo hộ đối với nền sản xuất trong nước còn yếu kém về nhiều mặt thì nhà nước phải thông qua pháp luật thuế. Ví dụ: Hiện nay trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhà nước ta đã mở cửa hội nhập nên có nhiều mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng tuy nhiên điều đó sẽ làm cho các hàng hóa nhập khẩu tràn lan trên thị trường khó kiểm soát và việc “người Việt tẩy chay hàng Việt” là điều không thể tránh khỏi chính bởi thế mà pháp luật thuế đã có những quy định như đánh cao thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng ngoại và giảm thuế đối với một số mặt hàng nội địa nhằm khuyến khích sản xuất tiêu dùng hàng trong nước.
Song song, thì pháp luật thuế hiện nay còn được coi là một trong những vũ khí cạnh tranh sắc bén của mỗi nước trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hầu hết ở các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đang ra sức sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế của mình cho hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
6. Pháp luật thuế quản lý các hoạt động thu thuế và nộp thuế
Từ phương diện quản lý Nhà nước, pháp luật thuế được xem như một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý các hoạt động thu, nộp thuế nhằm khai thác vai trò tích cực và hạn chế những tiêu cực của hoạt động này. Quan hệ thuế về bản chất là một quan hệ phân phối của cải dưới hình thức giá trị nên tự bản thân nó đã là một mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh các hoạt động xã hội tiêu cực, làm phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Bởi vậy, bằng pháp luật thuế, nhà nước đã đưa ra các giới hạn “hành lang”, thiết lập các “hàng rào pháp lý” để các chủ thể có được sự tự do trong khuôn khổ. Vượt ra ngoài khuôn khổ đó, đương nhiên họ sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc.
Tóm lại, pháp luật thuế ra đời do yêu cầu của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thuế. Nói cách khác, pháp luật thuế ra đời là do đòi hỏi của cuộc sống các quan hệ thuế. Đến lượt mình, pháp luật thuế tác động trở lại làm cho các quan hệ thuế phát sinh, phát triển theo chiều hướng mà Nhà nước mong muốn. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo một môi trường chính trị, kinh tế – xã hội ổn định, tiến bộ, làm nền tảng, cơ sở vững chắc cho công cuộc hội nhập và phát triển thành công.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Yếu tố chủ quan ảnh hưởng tới việc thực thi pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt
– Một số giải pháp hoàn thiện quy định của Luật thuế GTGT
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật về thuế trực tuyến miễn phí