Ưu tiên hỗ trợ nhà ở đối với người có công. Điều kiện khó khăn thì giáo viên có được xin chuyển công tác, chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tôi đang thuê nhà ở, sinh sống tại tổ dân phố 1, thị Trấn Kiến Đức, Huyện Đăk Rlấp, Đăk Nông, Hộ khẩu thường trú tại Tổ dân phố 2, thị Trấn Kiến Đức, Huyện Đăk Rlấp, Đăk Nông vì trước năm 2009 tôi đã có nhà ở tổ dân phố 2. Sau năm 2009 tôi làm ăn không may, bị mắc nợ nhiều, tôi phải bán nhà trã nợ và đã thuê nhà ở tổ dân phố 1, thị Trấn Kiến Đức, Huyện Đăk Rlấp, nay đã được 6 năm.
Bản thân tôi là em trai của Liệt sỹ. Tôi đang phụng dưỡng “Mẹ Liệt Sỹ ” bị bệnh tai biến nằm liệt giường đã 3 năm, gia đình tôi rất khó khăn, tôi là giáo viên dạy toán cấp 2.
Năm 2010 UBND huyện đã điều tôi đi vào vùng sâu vùng xa (xã Đăk SIN) cách nhà 23 km đã được 6 năm rồi, sau 3 năm tôi đã làm đơn xin về dạy gần nhà để tiện công tác và chăm sóc mẹ già mà phòng GD và UBND huyện không xét duyệt. Hơn thế nữa hiện tại tôi chưa có nhà và đất để ở, gia đình tôi phải thuê nhà để ở mỗi tháng 2 triệu đồng cho cả gia đình.
Hiện nay Mẹ Tôi yếu lắm rồi ,nói chung là khó sống hết năm nay. tôi sợ mẹ tôi chết trong nhà thuê là họ không cho . Tôi đã hốt hoảng chạy lên phòng LĐTBXH huyện gặp trưởng phòng LĐTBXH đặt vấn đề về hoàn cảnh gia đình tôi như vậy và có đặt vấn đề về nhà ở đất đai như vậy. Tôi ý định đến gặp chủ tịch huyện để hỏi xem trong địa bàn huyện có còn quỷ đất tôi xin mượn đỡ hoặc thuê làm nhà tạm đề phòng mẹ tôi mất để làm đám tang. Nhưng cô trưởng phòng LĐTBXH nói là chắc không còn quỹ đất nữa, khuyên tôi cố gắng về
Tôi dạy học, công tác tại huyện Đăk Rlấp được 16 năm rồi,.
CHO TÔI HỎI:
1, Điều kiện gia đình tôi như vậy có được ưu tiên gì không ? Về công tác dạy quá xa thì có được ưu tiên luân chuyển về gần nhà không.
2, Có được chính phủ hỗ trợ làm nhà ở không? Hay chờ nguồn tài trợ nào đó mới có,
3, Nếu tôi mua được mấy mét đất nông nghiệp chưa có đất thổ cư thì có được ưu tiên miễn giảm tiền chuyển đổi sang đất thổ cư để làm nhà hay không và được giảm bao nhiêu % tiền thuế.
. 4, Tôi là người phụng dưỡng, nuôi “Mẹ Liệt Sỹ” nếu đứng tên QSDĐ thì có được miễn giảm không, hay phải mẹ tôi đứng tên QSDĐ mới được miễn giảm.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng sửa đổi, bổ sung 2012
2. Nội dung tư vấn:
Về chế độ ưu tiên thân nhân của Liệt sỹ.
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại bạn đang là em trai của Liệt sỹ và phụng dưỡng mẹ già là mẹ Liệt sỹ. Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng sửa đổi, bổ sung 2012: quy định:
1. Khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Người có công với cách mạng:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Liệt sĩ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng
2. Thân nhân của người có công với cách mạng quy định tại khoản 1 Điều này.
Vậy trong trường hợp này gia đình bạn sẽ được hưởng những ưu đãi sau theo Pháp lệnh, khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng sửa đổi, bổ sung 2012 quy định các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ bao gồm:
8. Khoản 2 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm:
a) Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử;
a) Trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ quy định tại điểm này thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;
c) Khi báo tử, liệt sĩ không còn thân nhân quy định tại khoản 1 Điều này thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng khoản trợ cấp tiền tuất một lần như đối với thân nhân liệt sĩ;
đ) Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần;
đ) Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh này;
e) Cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần.
Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
g) Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp;
h) Con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này.
>>>
Vậy ngoài những khoản trợ cấp và ưu đãi như trên,trợ cấp tiền tuất,thờ cúng,.. pháp luật cũng quy định rõ ràng vấn đề ưu tiên cho gia đình bạn khi có nhu cầu mua bảo hiểm y tế; giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng sửa đổi, bổ sung 2012 cũng quy định trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, cá nhân như sau:
Điều 3
1. Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
2. Hàng năm Nhà nước dành phần ngân sách bảo đảm thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Điều 4
Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tuỳ từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi sau đây:
1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần;
2. Bảo hiểm y tế;
3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
4. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng;
5. Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học;
6. Chính phủ quy định cụ thể thời điểm hưởng, mức hưởng và các chế độ ưu đãi tại Điều này.
Điều 5
1. Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm vận động, chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng và thân nhân của họ bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt chính sách, chế độ ưu đãi quy định trong Pháp lệnh này.
Điều 6
1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn bằng sự đóng góp theo trách nhiệm và tình cảm của tổ chức, cá nhân.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
3. Chính phủ quy định chế độ quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Theo quy định trên thì cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm vận động, chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng và thân nhân của họ bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực thông qua quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm chủ trì vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo sự quản lý, chỉ đại của Chính phủ.
Mức hưởng cụ thể trong từng khoản trợ cấp bạn có thể tham khảo tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp cụ thể là vấn đề hỗ trợ làm nhà. Theo chính sách của pháp luật như trên thì gia đình thân nhân Liệt sỹ có thể được Nhà nước sử dụng chính sách hỗ trợ khi có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng. Theo quy định tại Điều 55 Nghị định 31/2013/NĐ-CP:
Điều 55. Chế độ ưu đãi về nhà ở
1. Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ cải thiện nhà ở tùy theo hoàn cảnh, công lao đóng góp của từng người và khả năng của Nhà nước, địa phương.
Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào chế độ ưu đãi cao nhất mà người đó được hưởng và chỉ giải quyết một lần.
2. Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ nếu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ nếu được Nhà nước giao đất làm nhà ở thì tùy theo công lao đóng góp sẽ được giảm một phần tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh, công lao đóng góp của từng nhóm đối tượng và khả năng ngân sách.
Thông tin bạn cung cấp thì bạn chưa có nhà ở mà phải ở nhà cho thuê, trong trường hợp này những mức trợ cấp theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở chủ yếu dành cho gia đình đã có nhà ở ổn định và các khoản sửa chữa do hỏng hóc, xây dựng. Trong trường hợp này bạn có thể lựa chọn việc nhận những khoản trợ cấp này, nhưng nhu cầu của bạn là muốn mua một mảnh đất và xây dựng nhà trên mảnh đất đó, như vậy bạn có thể xem xét những chế độ ưu đãi dành cho gia đình mình khi có nhu cầu mua đất, sau đó có thể nhận những khoản hỗ trợ cấp vốn để làm nhà, nguồn hỗ trợ xuất phát từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và từ các tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTG.
Về vấn đề miễn giảm thuế đất.
Trong trường hợp của bạn muốn mua đất nông nghiệp, để có thể sử dụng mảnh đất để xây dựng nhà ở bạn cần tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất đi kèm nghĩa vụ thanh tians các khoản thuế, tiền sử dụng đất theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất.
2. Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có mục đích kinh doanh thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất.
Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư 76/2014/TT-BTC quy định vấn đề miễn tiền sử dụng đất như sau:
Điều 13. Miễn tiền sử dụng đất
Việc miễn tiền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người có công với Cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Việc miễn tiền sử dụng đất đối với người có công với Cách mạng chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép miễn tiền sử dụng đất theo pháp luật về người có công.
Trong khi đó gia đình bạn là một trong những đối tượng thân nhân liệt sĩ được quy định theo Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng sửa đổi, bổ sung 2012.
Theo đó, khi hộ gia đình bà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở thì được ưu đãi giảm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở tại địa phương. Mức ưu đãi giảm tiền sử dụng đất được cộng chế độ ưu đãi của bạn nhưng tối đa không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp trong hạn mức giao đất ở.Đối với phần diện tích đất còn lại (nếu có), bạn phải nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư 76/2014/TT-BTC và Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Về thủ tục miễn giảm được thực hiện theo quy định tại Thông tư 76/2014/TT-BTC:
Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất gồm:
– Đơn đề nghị được miễn, giảm tiền sử dụng đất; trong đó ghi rõ: diện tích, lý do miễn, giảm;
– Giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất (bản sao có chứng thực), cụ thể:
Trường hợp người có công với Cách mạng phải có giấy tờ liên quan đến chế độ được miễn, giảm tiền sử dụng đất:
+ Việc miễn tiền sử dụng đất đối với người có công với Cách mạng chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép miễn tiền sử dụng đất theo pháp luật về người có công.
+ Việc giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với Cách mạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền hay phân cấp).
Cả bạn và mẹ bạn đều thuộc đối tượng thân nhân Liệt sỹ, vì vậy cả hai người đều có thể làm hồ sơ xin miễn giảm theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề luân chuyển công tác. Bạn đang làm viên chức công tác tại cơ quan nhà nước, do vậy theo quy định về vấn đề luân chuyển công tác theo Luật viên chức 2010 như sau:
Điều 32. Thay đổi vị trí việc làm
1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
3. Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.
Vậy trong trường hợp này có có thể xin luân chuyển công tác nếu tại đơn vị sự nghiệp công lập nơi bạn muốn luân chuyển đến có nhu cầu vị trí làm việc phù hợp với bạn, ngoài ra bạn có thể lựa chọn chấm dứt làm việc tại đơn vị cũ và tiến hành thi tuyển tại đơn vị theo nhu cầu theo đúng quy định về vấn đề này tại Luật viên chức 2010.