Tư vấn trường hợp mua điện thoại do trộm cắp mà có? Thời hạn điều tra vụ án hình sự. Xử lý vật chứng vụ án hình sự.
Tư vấn trường hợp mua điện thoại do trộm cắp mà có? Thời hạn điều tra vụ án hình sự. Xử lý vật chứng vụ án hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Gửi luật sư giải đáp giùm. Tôi có cửa hàng bán điện thoại, tôi mua 1 điện thoại iphone của 1 cửa hàng khác có hóa đơn chứng từ đầy đủ và bán lại cho khách hàng cũng xuất hóa đơn. Nhưng nay điện thoại đó bị công an tịch thu với lý do là tài sản ăn cắp và tới nay là 20 ngày rồi thì tôi có gọi cho công an nói vẫn trong quá trình điều tra. Tôi yêu cầu cửa hàng bán máy cho tôi bồi thường nhưng cửa hàng nói là mua lại của 1 cửa hàng khác nữa nên chờ công an điều tra và không chịu bồi thường cho tôi. Luật sư cho hỏi trường hợp này phải chờ công an điều tra trong bao lâu và tôi có thể kiện bên cửa hàng bán máy cho mình yêu cầu bồi thường hay không, nếu đươc luật sư vui lòng cho biết khởi kiện như thế nào, giá trị máy lúc mua trên hóa đơn là trên 18.000.000. Xin cám ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn mua 1 chiếc điện thoại của 1 cửa hàng khác và đó là những chiếc điện thoại bị nghi là tài sản ăn cắp, đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác, do đó, chiếc điện thoại là vật chứng của hành vi phạm tội.
Theo quy định tại điểm b) Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc xử lý vật chứng thì vật chứng có thể được trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.
Như vậy, đối với chiếc điện thoại mà bạn mua từ người phạm tội có thể sẽ được trả lại cho chủ sở hữu của chúng nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án hoặc sung quỹ Nhà nước.
Tùy theo loại tội phạm mà Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn điều tra với các loại tội phạm khác nhau, cụ thể:
"Điều 172. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng."
Do chưa đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi trộm cắp điện thoại thuộc loại tội phạm nào nên chưa khẳng định được thời hạn điều tra của loại tội phạm đó.
Theo quy định tại Điều 117 Bộ Luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
"a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội."
Ngoài ra điều luật còn quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định.
>>> Luật sư tư vấn trường hợp mua điện thoại do trộm cắp mà có: 1900.6568
Theo Điều 122 Bộ luật dân sự 2015, khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường."
Đối chiếu với các quy định trên thì việc chủ cửa hàng điện thoại bán cho bạn chiếc điện thoại là tang vật của một vụ trộm là đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, việc mua bán chiếc điện thoại đó đương nhiên bị vô hiệu. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, bạn cần làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch mua bán chiếc điện thoại vô hiệu và đòi lại số tiền mà bạn đã bỏ ra mua chiếc điện thoại đó và bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại thực tế.