Bị đòi tiền vay nặng lãi giải quyết thế nào? Thanh toán tiền vay, hợp đồng vay tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư cho em hỏi. Cách đây 2 năm em có vay 40 triệu của một người chuyên cho vay nặng lãi. Em đã xin ho cho em trả dần và em đã trả họ được 37 triệu rồi. Số tiền em trả vừa rồi họ nói là trừ vào lãi. Họ đã xuống chỗ làm của em và ép em phải ghi giấy nợ khác 40 triệu cho người khác đứng tên. Bây giờ họ đòi em số tiền 40 triệu. Nếu em không trả họ sẽ thuê đầu gấu đòi ạ. Thưa luật sư tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, hành vi cho vay nặng lãi:
Khoản 1, Điều 476 “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định:
– Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
– Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, không phải trường hợp cho vay nặng lãi nào cũng cấu thành tội cho vay nặng lãi.
Thứ hai, tội cho vay nặng lãi:
Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
“1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
+ Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.
+ Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Theo thông tin bạn cung cấp thì số tiền bạn vay là 40 triệu, bạn đã trả 37 triệu trong 2 năm nhưng số tiền này bị trừ vào lãi từ 40 triệu, nhưng không nêu rõ mức lãi suất cho vay là bao nhiêu. Nhưng ít nhất đã có hành vi cho vay nặng lãi ở đây. Bạn có thể khởi kiện ra tòa về hành vi này để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
Luật sư
Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp, người cho bạn vay 40 triệu đồng còn đe dọa, ép bạn ký giấy nhận nợ 40 triệu khác.
Điều 135 Bộ luật hình sự quy định tội cưỡng đoạt tài sản:
“1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội. Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác. Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác mà người phạm tội thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp của bạn thì người thực hiện hành vi de dọa, ép bạn ký giấy nợ 40 triệu khác đã đủ dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Để bảo vệ lợi ích của mình, bạn có thể khởi kiện ra tòa.
Mục lục bài viết
1. Cho vay với lãi suất 6% một tháng có phạm tội?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi cho vay tiền với lãi suất 6%/tháng thì có phạm tội cho vay nặng lãi không?
Luật sư tư vấn:
Điều 163 “Bộ luật hình sự 2015” quy định:
Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Về lãi suất theo quy định của pháp luật, theo Điều 467 “Bộ luật dân sự 2015” (BLDS):
Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Hiện nay, lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước là 9%/năm, tương đương với 0,75% một tháng. Theo quy định của BLDS, bạn có thể cho vay với mức lãi suất tối đa là 0,75×150% = 1,125%. Nên nếu bạn cho vay với mức lãi suất 10×1,125%=11,25% thì mới phạm tội cho vay nặng lãi
2. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình em vì kinh doanh nên tổng cộng có vay của 1 nhóm giang hồ 200 triệu đồng với lãi suất 12 hay 13%/tháng gì đó. mẹ em trả lãi là 24 triệu/tháng. Sau này vì lãi suất quá lớn nên mẹ em có tháng trả đủ có tháng không. Sau đó thì ko còn khả năng chi trả nên đã bỏ trốn. Chủ nợ có cộng dồn tất cả là 200tr gốc + 50 triệu/ Tiền lãi và hứa ko phát sinh thêm. Họ yêu cầu trả 50 triệu Tiền lai trc còn Tiền gốc sẽ thu dần sau. Nhưng vì do khó khăn nên mẹ em chưa thanh toán đúng hẹn nên họ đến nhà gây rối và uy hiếp đe doạ em.
Họ yêu cầu em phải viết giấy nợ chịu trách nhiệm trả cho họ 50 triệu tiền lãi vì mẹ em giờ đã bỏ trốn. Nhưng gia đinh em không đồng ý vì em còn đang đi học nên ko thể có khả năng chi trả .Sau khi thoả thuận em đồng ý viết giấy nợ với điều kiện ghi rõ trong giấy là em chỉ chịu trách nhiệm cầm tiền trả cho họ khi mẹ em chuyển tiền về cho em chứ không chịu trách nhiệm đứng ra gánh số tiền đó. Nhưng giờ họ lại tráo trở lật lọng uy hiếp đe doạ em bắt em phải trả sẽ tiền lai đó vì em đã đứng ra viết giấy nợ.
Hiện tại em rất lo sợ vì cuộc sống của mình luôn bị đe doạ vì những thứ vô lý như vậy. Em có ghi âm hết tất cả những lần họ đe doạ và bắt em viết giấy nợ. Nay em muốn làm đơn tố cáo họ với chính quyền. Mong luật sư tư vấn cho em trình tự và các điều luật tố cáo tội trạng cho vay nặng lãi và uy hiếp người khác. Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của luật sư!
Luật sư tư vấn:
Điều 163 “Bộ luật hình sự 2015” quy định về Tội cho vay lãi nặng như sau:
“Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Dấu hiệu cấu thành tội cho vay lãi nặng:
Chủ thể: Chủ thể tội cho vay lãi nặng là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự.
Hành vi: Chủ thể thực hiện tội phạm với hành vi cho người khác vay tiền. Mức lãi suất đặt ra cho người vay để xác định bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải cao hơn gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”.
Theo thông tin bạn cung cấp, nhóm người cho mẹ bạn vay 200 triệu với lãi suất 24 triệu/tháng, mức lãi suất ở đây là 12%/ tháng. Mức lãi suất 1 năm là 12x 12% = 144%/năm.
Lãi suất ngày gấp 144:20=7,2 lần, như vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành Tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, mức lãi suất ngày vượt quá mức lãi suất cho phép; vì vậy, phía bên nhóm cho vay chỉ được áp mức lãi suất tối đa là 20%/năm đối với khoản vay của mẹ bạn; phần lãi suất vượt quá sẽ không được công nhận.
3. Tội cho vay nặng lãi bị pháp luật xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có cho một người ở làng vay 30.000.000 vnđ để kinh doanh, lãi suất 5 nghìn/ngày/triệu. Lãi quá hạn được ghi rõ gấp 10 lần (50.000 vnđ/ngày/triệu) được thỏa thuận và ghi rõ trên giấy vay. Xin hỏi: Trong trường hợp của tôi có phải là người cho vay nặng lãi không? Tội cho vay nặng lãi được pháp luật xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất của khoản vay do các bên tự thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Lãi suất hiện tại của hai bên đang thỏa thuận là 5.000 đồng/ngày/1 triệu tức là 150.000 đồng/ngày/30 triệu. Như vậy, một tháng người vay sẽ phải thanh toán tiền lãi trên khoản tiền vay cho bạn là: 150.000 x 30 ngày = 4.500.000 đồng
Tỷ lệ lãi suất cho vay 1 tháng là: 4.500.000 : 30.000.000 = 0,15 (tức là 15%/ tháng)
Mức lãi suất theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 hiện tại cao nhất là 20%/năm tức là 1,67%/tháng. Như vậy, so với mức lãi suất mà bạn cho vay đang gấp 8,98 lần so với mức cao nhất mà pháp luật cho phép. Đối với lãi suất quá hạn, bên cho vay có yêu cầu phải trả lãi quá hạn gấp 10 lần, là 50.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với 150%/tháng, 1800%/năm. Như vậy vượt quá 10 lần cho phép của pháp luật. Lãi suất là tỷ lệ phần trăm nhất định sinh ra từ giao dịch cho vay giữa các bên. Số tiền này được gọi là tiền lãi mà người vay tiền cần phải trả thêm cho người cho vay. Cụ thể, lãi suất sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm nhân với số tiền gốc theo một thời gian cụ thể được quy ước giữa 2 bên. Lãi suất theo quy định trong pháp luật dân sự bao gồm lãi suất gốc và lãi suất quá hạn. Như vậy, trong trường hợp bên cho vay thoả thuận lãi suất quá hạn vượt quá mức lãi suất mà pháp luật cho phép cũng bị coi là vi phạm về tiền lãi cho vay.
Căn cứ theo quy định tại Điều 163 “Bộ luật hình sự 2015” về tội cho vay lãi nặng:
“Điều 163. Tội cho vay lãi nặng.
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Mức lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng. Việc cho vay có tính chất chuyên bóc lột, tính chất này được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng có thể được thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Tùy từng mức độ hành vi mà có thể bị xử lý theo các khung:
– Phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm
– Có thu lợi bất chính thì phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
– Có thể bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Như vậy, đối với trường hợp thoả thuận lãi suất gốc là 15%/tháng, cao gấp 8,98 lần so với mức pháp luật cho phép nhưng lãi suất quá hạn là 150%/tháng gấp 89,8 lần so với mức cao nhất mà pháp luật cho phép, có tính chất bóc lột và thuộc trường hợp cho vay nặng lãi và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng. Đồng thời, đối với phần lãi suất vượt quá trong hợp đồng cho vay sẽ bị coi là vô hiệu.
4. Cấu thành tội cho vay lãi nặng? Luật tội cho vay nặng lãi?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật sư. Tôi có vay số tiền là 30 triệu, với lãi suất mỗi tháng góp 03 triệu, tuy nhiên khi nhận tôi chỉ nhận được 27 triệu và phải trả lãi trước một tháng tức là 03 triệu. Tôi góp được 06 tháng thì không có khả năng góp, chủ nợ đòi tiền gốc và 03 tháng không góp là 45 triệu. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này có được coi là cho vay nặng lãi không ạ? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 201
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Khoản 1 Điều 468
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật hình sự, hành vi cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Mà theo quy định tại Bộ luật dân sự, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Đối chiếu với quy định tại Bộ luật hình sự, mức lãi suất đủ để cấu thành tội phạm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là từ 100%/năm trở lên.
Trong trường hợp của bạn, bạn không trình bày cụ thể mức lãi suất cho vay của bạn là bao nhiêu và thời hạn vay là bao lâu nên không thể kết luận hành vi cho vay đó có phải là cho vay nặng lãi hay không. Tuy nhiên, dựa vào quy định như đã phân tích ở trên bạn có thể tự xác định xem hành vi đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không.
5. Lãi suất cho vay bao nhiêu thì cấu thành tội cho vay nặng lãi?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có cho vay 30 000 000. Cho tôi hỏi cho vay với lãi xuất 5000/ 1 000 000/ ngày có bị cho là vay lãi xuất nặng không. Nếu là cho vay nặng lãi thì mức phạt là như thế nào. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp bạn có cho một người khác vay với mức lãi suất cho vay là 5.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, tính ra, với số tiền cho vay là 30.000.000 đồng thì mỗi ngày bạn sẽ phải trả 150.000 đồng. Trường hợp này, lãi suất mỗi ngày mà bạn phải trả được xác định là 0,5 % ngày. Nếu đây là mức lãi suất cố định, thì khi tính lãi suất theo năm theo nguyên tắc tính lãi ban hành kèm theo Thông tư 14/2017/TT- NHNN của Ngân hàng nhà nước có thể xác định, lãi suất theo năm trong trong trường hợp này là 0,5%/ngày x 365 ngày = 182,5%/năm
Với mức lãi suất 182,5%/ năm này có được xác định là lãi nặng hay không, cần xem xét các phương diện sau:
Tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi điểm i, khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 thì:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trong khi đó, mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 được quy định cụ thể tại Điều 468 như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì mức lãi suất cao nhất mà các cá nhân có thể thỏa thuận trong hoạt động cho vay được xác định là 20%/năm. Đối chiếu với quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 thì một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng khi có một trong các dấu hiệu tội phạm như sau:
- Cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự.
Như đã phân tích, lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 trong giao dịch cho vay tiền được xác định là 20%/ năm nên mức lãi suất là lãi nặng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi điểm i, khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 được xác định là từ 100%/năm trở lên.
- Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.
Xem xét trong trường hợp của bạn, như đã phân tích, bạn cho vay 30.000.000 đồng, với mức lãi 5.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, tính ra lãi suất là 0,5%/ngày, và tương đương 182,5%/năm. Với mức lãi suất 182,5 %/năm, bạn đã cho vay với mức vượt quá 9,125 lần mức lãi suất mà Nhà nước quy định trong Bộ luật Dân sự, vượt quá 1,825 lần mức lãi suất bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, hành vi cho vay với mức lãi suất 5.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày được xác định là hành vi cho vay lãi nặng. Trong trường hợp này, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay lãi nặng nếu bạn thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên trong hoạt động cho vay này.
Trường hợp bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay lãi nặng thì theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, mức xử phạt thấp nhất mà bạn phải chấp hành là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nếu bạn thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nếu trường hợp bạn cho vay lãi nặng, mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bạn bị phạttiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, bạn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Trường hợp bạn cho vay lãi nặng nhưng không đáp ứng điều kiện thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì bạn cũng không đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, trường hợp này, bạn vẫn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này với mức xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ – CP nếu bạn cho vay tiền có cầm cố tài sản, và lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Như vậy, qua phân tích cho thấy, bạn đang có hành vi cho vay nặng lãi. Bạn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào việc bạn thu lợi bất chính bao nhiêu từ hoạt động cho vay này, hay bạn đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Hình phạt cụ thể của bạn sẽ do Tòa án xác định trên cơ sở xem xét mức độ phạm tội, tính chất phạm tội và hậu quả gây ra.