Tư vấn chế độ bồi dưỡng đối với người làm công tác tiếp công dân. Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào quý anh, chị Em xin được tư vấn vấn đề sau: 1. Địa điểm tiếp công dân cấp xã theo điều theo khoản 4 điều 20 của Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ được quy định cụ thể như thế nào? 2. Cán bộ, công chức được chủ tịch UBND cấp xã phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại phòng tiếp công dân trong trụ sở làm việc của UBND cấp xã thì thuộc đối tượng nào theo điều 21 của Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. 3. Theo quy định của Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 thì cán bộ, công chức được chủ tịch UBND cấp xã phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại phòng tiếp công dân trong trụ sở làm việc của UBND cấp xã có được hưởng chế độ bồi dưỡng không ? áp dụng điều, khoản nào ? Em đang rất cần được tư vấn sớm, rất mong được chia sẻ ! Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, để giải quyết vấn đề của bạn, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, quy định về địa điểm tiếp công dân cấp xã theo khoản 4 Điều 20
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 64/2014/NĐ-CP địa điểm tiếp công dân cấp xã là một trong những địa điểm tiếp công dân mà người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi được áp dụng chế độ bồi dưỡng theo quy định.
Hiện nay, trong quy định của pháp hiện hành không thể hiện rõ nội dung về địa điểm tiếp công dân cấp xã cụ thể ở đâu. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật tiếp công dân năm 2013 thì:
“Điều 19. Địa điểm tiếp công dân
1. Địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và các thông tin quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân.”
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 22 Luật tiếp công dân năm 2013, được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 9 Mục 2 Chương I
Qua phân tích ở trên, có thể xác định địa điểm tiếp công dân cấp xã theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 64/2014/NĐ-CP là Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ hai, về đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân theo quy định tại Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP.
Để xác định cán bộ, công chức được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại phòng tiếp công dân trong trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc đối tượng nào theo quy định tại Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP thì căn cứ theo Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP có quy định về đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gồm:
“Điều 21. Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
1. Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 Nghị định 64/2014/NĐ-CP được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.
3. Cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.”
Căn cứ theo quy định được trích dẫn tại Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP, đồng thời xem xét trong tình huống của bạn thì có thể thấy Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người có thẩm quyền, và là đại diện cho Ủy ban nhân dân cấp xã, còn trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, như đã phân tích, được xác định là địa điểm tiếp công dân cấp xã. Do vậy, những người cán bộ công chức được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã được xác định thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP.
Thứ ba, về chế độ và quy định về đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên theo quy định tại Thông tư 320/2016/TT-BTC.
Căn cứ theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư 320/2016/TT-BTC thì phạm vi và đối tượng áp dụng Thông tư này – Thông tư quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được quy định tại Điều 20
Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 64/2014/NĐ-CP).Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 320/2016/TT-BTC được trích dẫn ở trên thì đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân được xác định là các đối tượng được quy định tại Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP. Xem xét trong trường hợp của bạn, như đã phân tích, những người cán bộ, công chức được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại phòng tiếp công dân trong trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã được xác định thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP. Do vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 320/2016/TT-BTC được trích dẫn ở trên thì những người cán bộ công chức này cũng sẽ thuộc đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đối với những người cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân này sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng tính theo ngày làm việc căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Điều 4 Thông tư 320/2016/TT-BTC, cụ thể:
Nếu những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/1 ngày/1 người.
Như vậy, đối với từng vấn đề, bạn cần xem xét về tình hình thực tế và quy định của pháp luật để xác định cụ thể.