Tự chăm sóc người bị tâm thần tại gia đình có được không là nỗi băn khoăn của rất nhiều người, nhiều gia đình. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Người bị tâm thần có phải là người bị mất năng lực hành vi dân sự không?
Hành vi dân sự của một người được ghi nhận tại Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015 chính là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Đồng thời, tại Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người mất năng lực hành vi dân sự phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
– Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
– Tòa án ra quyết định tuyên bố là người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, một người mắc bệnh tâm thần chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi người đó có kết luận giám định pháp y tâm thần và Tòa án đã ra quyết định công nhận người đó mất năng lực hành vi dân sự. Nếu không còn những căn cứ để tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ theo yêu cầu của chính người đó, của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
2. Tự chăm sóc người bị tâm thần tại gia đình có được không?
Tâm thần là bệnh lý gây ra do tổn thương thực thể hoặc chức năng thần kinh. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biểu hiện của bệnh tâm thần điển hình như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu,… Bệnh tâm thần có thể xuất hiện đột ngột hay từ từ sau nhiều tháng. Người bị bệnh tâm thần sẽ có biểu hiện bất thường về lời nói, hành động, nhân cách so với những người bình thường, tuy nhiên, họ thường không nhận thức được sự bất thường này của bản thân. Bệnh nhân tâm thần sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và giảm sút trong công việc.
Việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại gia đình vẫn được áp dụng, pháp luật không cấm điều đó. Tuy nhiên để chăm sóc một người bị bệnh tâm thần tại nhà cũng rất khó khăn, những người thân trong gia đình phải lưu ý những điều sau:
Thứ nhất, cần có sự quan tâm, để ý nhất định đến bệnh nhân tâm thần:
Những người thân trong gia đình phải đặc biệt chú ý xem người tâm thần đó có những bất thường, sự thay đổi trong hành vi, nhận thức, cảm xúc của họ.
Sau khi có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ, người thân gia đình cần chú ý kỹ đảm bảo cho người tâm thần uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối không có thái độ kỳ thị ghét bỏ, tỏ thái độ ghê sợ, xa lánh người tâm thần. Phải luôn lưu ý có thái độ nhẹ nhàng, quan tâm đến người tâm thần để tránh kích động đến tâm lý của họ. bản chất những người tâm thần là những người bị tổn thương nhất định về tâm ký do đó, n người thân trong gia đình nên dành nhiều tình cảm yêu thương, ân cần quan tâm chăm sóc, tạo cho bệnh nhân tâm thần cảm giác an toàn và được che chở.
Thời gian rảnh, nên đưa người tâm thân đi dạo xung quanh để tiếp xúc với không khí bên ngoài, giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh của họ, tránh nhốt hay chỉ giữ người tâm thần trong phòng, điều này sẽ tạo nên sự bí bách và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của họ.
Luôn có sự trò chuyện với bệnh nhân bắt đầu từ những câu đối thoại ngắn, nói về những điều đơn giản ví dụ như những đồ vật xung quanh.
Luôn giúp đỡ và động viên bệnh nhân tham gia lao động sinh hoạt.
Thứ hai, những người trong gia đình trong quá trình chăm sóc người tâm thân không được có những thái độ, hành động sau đây:
– Không có thái độ nổi nóng, không cố gắng kìm giữ bệnh nhân.
– Tuyệt đối không được cho người tâm thần tiếp xúc hay sử dụng các công cụ sắc nhọn vì khi họ bị kích động về tâm lý sẽ không kiểm soát và nhận thức được hành vi của mình. Những vật dụng sắc nhọn, cháy nổ gây thương tích phải đem giấu không cho người bệnh biết, đồng thời thông báo cho mọi người xung quanh để họ tránh xa, đề phòng người bệnh tấn công.
– Không nên tranh cãi và cố gắng chứng minh rằng người bệnh sai.
– Người thân phải hiểu rõ được nguyên nhân và tình trạng bệnh của người bị tâm thần. Bệnh tật sẽ phải điều trị theo y học, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được chữa trị bằng cúng bái, bùa ngãi hay tự ý mua thuốc điều trị không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
– Không trói nhốt, đánh đập hoặc cách ly người bệnh không cho tiếp xúc với người xung quanh.
Và để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội. Cần tham gia hỗ trợ gia đình và người tâm thần trong công tác quản lý, điều trị, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
– Hãy để người bệnh tham gia vào hoạt động của gia đình, tiếp tục trò chuyện với người bệnh như trước đây và để người bệnh tham gia vào những cuộc nói chuyện trong gia đình. Hãy lắng nghe người bệnh nói về những cảm giác của họ với gia đình và phải thể hiện là mọi người đều hiểu họ.
3. Những khó khăn khi điều trị bệnh cho người tâm thần:
Đối với người bị bệnh tâm thần sẽ có ảnh hưởng cũng như có những thiệt thòi nhất định trong cuộc sống. Một số khó khăn thường gặp đối với người bị bệnh tâm thần như sau:
– Khó khăn trong nhận thức xã hội: Người bệnh tâm thần hạn chế tham gia được các hoạt động xã hội, thường bị xa lánh, xua đuổi hoặc không nhận được sự quan tâm chăm sóc. Người bệnh tâm thần trở thành gánh nặng và gây xáo trộn cuộc sống cho gia đình và cộng đồng.
– Khó khăn trong việc làm những sinh hoạt thường ngày: Người bệnh tâm thần gặp khó khăn trong thực hiện các hoạt động hàng ngày, không tự thực hiện được việc ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa vệ sinh cá nhân cũng như các hoạt động khác trong cuộc sống.
– Khó khăn trong việc học tập, tiếp thu kiến thức: với trẻ em trong độ tuổi đi học thì việc học là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Còn với người lớn mắc phải bệnh tâm thần thì không thể tiếp tục làm việc được nữa, dẫn đến nghỉ việc.
– Khó khăn trong các mối quan hệ: Người bệnh tâm thần thường bị rối loạn tâm lý, sinh lý, tính tình buồn vui bất thường, làm xáo trộn và thay đổi mối quan hệ với các thành viên trong gia đình
4. Hồ sơ, thủ tục tuyên bố người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tuyên bố người bị tâm thần mất năng lực hành vi dân sự:
– Đơn yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự.
– Giấy tờ tùy tân của người yêu cầu (gồm chứng minh nhân dân/căn cước công dân).
– Các tài liệu, chứng cứ liên quan chứng minh cho việc yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự là hoàn toàn dựa trên cơ sở hợp pháp và có căn cứ.
Bước 2: Người yêu cầu nộp hồ sơ:
Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp quận, huyện.
Bước 3: Tiếp nhận và thụ lý đơn:
Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo hợp lệ, đã đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án phải:
– Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
– Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
– Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.