Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Theo quy định của Điều 21 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13: Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Theo đó, chủ đầu tư phải xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 3 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu; các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu ( Nghị định số 63/2014/NĐ-CP Điều 22 Khoản 2 và Khoản 3).
Căn cứ quy định nêu trên của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trường hợp có lựa chọn danh sách ngắn, trước khi chủ đầu tư lựa chọn danh sách ngắn thì các nhà thầu độc lập có thể liên danh thành nhà thầu liên danh để tham dự thầu; tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư lựa chọn và phê duyệt danh sách ngắn, các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, khi phê duyệt danh sách ngắn, chủ đầu tư phải khảo sát và chọn lọc kỹ càng đảm bảo trong danh sách gồm tối thiểu 3 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu. Chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống trong trường hợp sau đây:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Trường hợp chỉ có ít hơn 3 nhà thầu đáp ứng yêu cầu thì chủ đầu tư căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu để xử lý tình huống theo một trong hai cách: (1) Tiến hành lựa chọn bổ sung nhà thầu vào danh sách ngắn; (2) Cho phép phát hành ngay hồ sơ mời thầu cho nhà thầu trong danh sách ngắn (Nghị định 63/2014/NĐ-CP Điều 117 Khoản 3).
– Trường hợp tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 4 giờ kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách: (1) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu; (2) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá (Nghị định 63/2014/NĐ-CP Điều 117 Khoản 4).
Tóm lại, việc áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế vẫn cần đảm bảo được các mục tiêu của công tác đấu thầu, đặc biệt là tính minh bạch và cạnh tranh nhằm đạt được hiệu quả kinh tế của gói thầu; tránh tổ chức đấu thầu hình thức nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu nào đó trúng thầu hay dẫn đến phải thực hiện xử lý tình huống trong đấu thầu hoặc lạm dụng áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế để “hạn chế” nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu của gói thầu tham gia đấu thầu.