Các trường hợp thu hồi tài sản công tại cơ quan Nhà nước? Thủ tục thu hồi tài sản công tại cơ quan Nhà nước?
Tài sản công là một trong những loại tài sản có số lượng và quy mô lớn, được sử dụng tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Mục đích phục vụ cho hoạt động quản lý, làm việc, điều chỉnh mọi hoạt động trong bộ máy nhà nước và hỗ trợ quản lý, giám sát những cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, khi tài sản công không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như chức năng của nó thì nhà nước sẽ tiến hành ra quyết định thu hồi. Vậy, trường hợp, thủ tục thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề nêu trên.
Căn cứ pháp lý:
– Luật quản lý sử dụng tài sản công ban hành ngày 21/6/2017;
–
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp thu hồi tài sản công tại cơ quan Nhà nước:
Căn cứ tại khoản 1, Điều 41 của Luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định các trường hợp được thu hồi tài sản công như sau:
Một, trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng. Trụ sở bao gồm các cơ quan làm việc , đại diện cho Nhà nước Việt Nam như Lãnh sự quán, Đại sứ quán, Cơ quan ngoại giao, Tòa án nhân dân, trụ sở ủy ban nhân dân,…
Hai, được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế. Trường hợp ngày xảy ra khi trụ sở làm việc, cơ quan nhà nước bị hư hỏng, hoặc không còn phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, phục vụ cho hoạt động vui chơi, giải trí, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…
Ba, tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn. Ví dụ: Nhà nước hỗ trợ phương tiện vận chuyển, đưa đón cán bộ đi làm việc, tuần tra dư số lượng sẽ được nhà nước có quyết định thu hồi, hoặc nhưng cơ sở thiết bị phục vụ công tác quản lý không phù hợp với người dân.
Bốn, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định;
Năm, tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
Sáu, phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Như hỗ trợ trang thiết bị để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cung cấp tàu thuyền để tuần tra, cứu hộ tại các tỉnh đầu tư phát triển du lịch biển…
Bảy, cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước. Nhà nước giao tàu thuyền để tuần tra trên biển, hỗ trợ đưa đón cán bộ, đại sứ, thủ tướng.
Tám, trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục thu hồi tài sản công tại cơ quan Nhà nước:
Thứ nhất, trường hợp cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 41 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền thu hồi tài sản theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17
Một, hồ sơ đề nghị trả lại tài sản cho Nhà nước gồm:
– Văn bản đề nghị trả lại tài sản của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản. (01 bản chính);
– Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) (01 bản chính);
– Danh mục tài sản đề nghị trả lại cho Nhà nước (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán) (01 bản chính);
– Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị trả lại tài sản (nếu có) (01 bản sao).
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.
Hai, nội dung chủ yếu của Quyết định thu hồi tài sản công gồm:
– Tên cơ quan nhà nước có tài sản thu hồi ví dụ Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ…
– Danh mục tài sản thu hồi bao gồm các nội dung như chủng loại, số lượng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thu hồi;
– Trách nhiệm tổ chức thực hiện;
Quyết định này sẽ được lập khi có căn cứ cho rằng tài sản công của nhà nước đang thuộc đối tượng bị thu hồi khi không còn đáp ứng nhu cầu sử dụng ban đầu. Việc đưa tài sản vào đối tượng bị thu hồi phải được liệt kê chi tiết, cụ thể để đảm bảo tránh tình trạng nhầm lẫn, thuận tiện cho quá trình quản lý và sử dụng tại nơi khác khi có nhu cầu.
Ba, trình tự thực hiện việc thu hồi
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi thực hiện bàn giao đầy đủ tài sản và các hồ sơ có liên quan đến tài sản cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công , cụ thể như sau:
– Bàn giao cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cụ thể là Bộ trưởng Bộ tài chính giao cho cơ quan quản lý tài sản công thuộc Bộ giúp Bộ trường Bộ tài chính đối với tài sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi;
– Bàn giao cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cụ thể là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương giao một cơ quan, đơn vị đang thuộc quyền quản lý của Bộ, cơ quan trung ương làm đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương đối với tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi;
– Bàn giao cho Sở Tài chính đối với tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh quyết định thu hồi;
– Bàn giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện đối với tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định thu hồi;
Bốn, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tiếp nhận tài sản bị thu hồi, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công đối với thẩm quyền quy định trên có trách nhiệm lập phương án xử lý theo các hình thức được quy định tại khoản 4, điều 41 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc lập phương án khai thác, trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Căn cứ quyết định phương án xử lý, phương án khai thác tài sản thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Năm, tài sản công bị thu hồi được xử lý như sau:
Căn cứ tại khoản 4, Điều 41 Luật quản lý sử dụng tài sản quy định các hình thức sau khi tài sản công bị thu hồi bao gồm:
– Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật quản lý sử dụng tài sản bao gồm các loại tài sản như tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng, mua sắm, tài sản thu hồi, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, đất được giao để xây dựng trụ sở và tài sản khác theo quy định của pháp luật.
– Điều chuyển theo quy định tại 42 Luật quản lý sử dụng tài sản. Việc điều chuyển tài sản công chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, trừ các trường hợp đặc biệt mà Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trường Bộ tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
– Bán, thanh lý theo quy định tại Điều 43 và Điều 45 của Luật quản lý sử dụng tài sản công. Việc bán tài sản công được thực hiện theo hình thức bán đấu giá cho các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp bán các loại tài sản có giá trị nhỏ thì sẽ bán theo hình thức niêm yết giá công khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ. Đối với việc thanh lý sẽ được áp dụng trong các trường hợp tài sản công đã hết thời hạn sử dụng, chưa hết thời hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả hoặc trong trường hợp nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và việc thanh lý sẽ được áp dụng dưới các hình thức phá dỡ, hủy bỏ, vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý bán hoặc bán.
– Tiêu hủy theo quy định tại Điều 46 của Luật quản lý tài sản công. Hình thức tiêu hủy sẽ phụ thuộc vào từng loại tài sản mà áp dụng hình thức tiêu hủy, bao gồm: sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, hủy đốt, hủy chôn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài 4 hình thức được áp dụng sau khi thu hồi tài sản công nêu trên thì tùy thuộc vào từng loại tài sản, bản chất, cấu tạo, thời gian sử dụng, giá trị mà nhà nước áp dụng hình thức xử lý phù hợp khác như cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại để sử dụng, tặng cho,…Dù áp dụng bất kỳ hình thức nào thì đều đảm bảo áp dụng đúng đối tượng, tránh lãng phí, và áp dụng sai đối tượng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về trường hợp, thủ tục thu hồi tài sản công tại cơ quan Nhà nước. Trường hợp có thắc mắc mọi người có thể liên hệ theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ tư vấn cụ thể và chi tiết hơn.