Khái quát chung về thu hồi đất? Thẩm quyền thu hồi đất? Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất?
Hiện nay với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhiều công trình dự án trọng điểm của các quốc gia ngày càng nhiều. Chính bởi do đó mà nhu cầu sử dụng đất càng tăng cao. Trên thực tế, thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Để có đất xây dựng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, không phải các trường hợp nào khi Nhà nước thu hồi đất cũng được bồi thường.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về thu hồi đất:
Theo quy định của pháp luật, Nhà nước có quyền được thu hồi đất vì những mục đích khác nhau cụ thể như: quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do có vi phạm pháp luật về đất đai.
Về nguyên tắc, người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì sẽ được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Tuy vậy, Luật Đất đai cũng quy định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà không phải bồi thường về đất và trường hợp thu hồi đất không phải bồi thường tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định tại
Còn bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.
Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để họ nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.
Như vậy, khái niệm thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lí theo quy định của
2. Thẩm quyền thu hồi đất:
Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền thu hồi đất cụ thể như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp được pháp luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013.
+ Trường hợp thứ hai: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Trường hợp thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
+ Trường hợp thứ hai: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
– Cần lưu ý đối với trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật, thẩm quyền thu hồi đất đã được quy định rất rõ ràng. Việc ban hành các quy định này đã góp phần đảm bảo trách nhiệm thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như quyền lợi hợp pháp của các chủ thể là người bị thu hồi đất. Khi nhận thấy thẩm quyền thu hồi đất không đúng theo quy định được nêu cụ thể ở trên thì các cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan ban hành quyết định thu hồi đất.
Việc thu hồi đất được chuyển từ cơ chế hành chính do Uỷ ban nhân dân các cấp hay còn gọi là cơ quan công quyền thực hiện sang cơ chế kinh tế do Tổ chức phát triển quỹ đất hay còn gọi là tổ chức kinh tế thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh việc thu hồi đất, Nhà nước còn tiến hành việc trưng dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác được quy định cụ thể tại Điều 72 Luật Đất đai năm 2013.
3. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất:
Khi Nhà nước thu hồi đất thông thường người sử dụng đất sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất, cụ thể theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước khi thu hồi đất sẽ không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:
– Một là: Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật Đất đai năm 2013 (các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất).
+ Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này (Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định).
+ Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất.
+ Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
+ Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
+ Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
– Hai là: Đất được Nhà nước giao để quản lý.
Theo Điều 8 Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất cho tổ chức hoặc cộng đồng dân cư quản lý, khi thu hồi sẽ không được bồi thường về đất, cụ thể:
+ Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
+ Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng.
– Ba là: Đất được giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý sử dụng vào mục đích công cộng.
– Bốn là: Đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.
– Năm là: Thực hiện thu hồi đất do vi phạm pháp luật và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất.
– Sáu là: Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
+ Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
+ Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất.
+ Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
+ Đất không được chuyển nhượng, tặng cho mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho.
+ Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm.
+ Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm.
+ Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành (ví dụ: Không nộp thuế, tiền sử dụng đất…).
+ Đất không được sử dụng, cụ thể: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng hoặc chậm tiến độ, cụ thể như sau: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; Tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Lưu ý: Trong trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng hai mươi tư tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Khi đã hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vì các lý do bất khả kháng.
– Bảy là: Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất.
Theo khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì sẽ không được bồi thường về đất, cụ thể như sau:
+ Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất.
+ Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế.
+ Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất.
+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn.
– Tám là: Không đủ điều kiện cấp sổ đỏ.
+ Không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) theo quy định của Luật Đất đai 2013, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai, cụ thể:
Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Sổ đỏ hoặc không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.
Như vậy, ta nhận thấy, không phải tất cả các trường hợp khi bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất, chủ thể đang sử dụng đất bị thu hổi đều được bồi thường. Đối với các trường hợp chủ thể sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả, cố ý hủy hoại đất hoặc trường hợp đất được giao không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyển, đất lấn chiếm, đất do cá nhân sử dụng đã chết mà không có người thừa kế, chủ thể sử dụng đất tự nguyện trả lại đất… thì các chủ thể sẽ không được bồi thường khi bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật hiện hành.