Bắt tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn tội phạm, khi có đầy đủ căn cứ chứng minh người bị buộc tội sẽ thực hiện hành vi gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì những trường hợp nào có quyền bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp nào bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án?
Trường hợp bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, điều luật này quy định về vấn đề bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án như sau:
-
Trong trường hợp bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam, sau đó bị xử phạt tù tuy nhiên nhận thấy cần phải tiếp tục tạm giam để đảm bảo cho quá trình thi hành án thì Hội đồng xét xử là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giam đối với bị cáo, ngoại trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
-
Trong trường hợp bị cáo không bị áp dụng biện pháp tạm giam tuy nhiên bị xử phạt tù, thì bị cáo chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Hội đồng xét xử là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt tạm giam đối với bị cáo ngay tại phiên tòa trong trường hợp có đầy đủ căn cứ cho rằng bị cáo có thể bỏ trốn hoặc có thể tiếp tục phạm tội;
-
Trong trường hợp bị cáo bị xử phạt với mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trong bản án về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam bị cáo để đảm bảo cho quá trình thi hành án.
Theo đó, bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, sau đó bị xử phạt tù, tuy nhiên nhận thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho quá trình thi hành án khi Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định tạm giam đối với bị cáo, ngoại trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, Điều luật này quy định về vấn đề trả tự do cho bị cáo. Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam khi thuộc một trong những trường hợp sau:
-
Bị cáo không có tội;
-
Bị cáo bị xử với hình phạt không phải là hình phạt tù;
-
Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc bị cáo được miễn hình phạt;
-
Bị cáo bị xử phạt tù tuy nhiên được tuyên hưởng án treo;
-
Thời hạn phạt tù bằng thời gian hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
Như vậy, trong trường hợp bị cáo bị áp dụng hình thức phạt tù tuy nhiên được hưởng án treo và trường hợp thời hạn phạt tù bằng/ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam thì Hội đồng xét xử cần phải tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa (không được ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi tuyên án).
Thứ hai, trong trường hợp bị cáo không bị tạm giam, sau đó bị xử phạt tù thì bị cáo chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành án phạt tù sau khi bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam đối với bị cáo ngay tại phiên tòa nếu Hội đồng xét xử có đầy đủ căn cứ cho rằng bị cáo có thể bỏ trốn hoặc có thể tiếp tục phạm tội mới.
2. Thời hạn tạm giam bị cáo sau khi tuyên án là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 329 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án. Theo đó, thời gian tạm giam bị cáo được xác định là 45 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày Tòa án tuyên án.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì thời hạn tạm giam đối với bị cáo sau khi tuyên án được xác định là 45 ngày (kể từ ngày Tòa án tuyên án).
Tuy nhiên cần phải lưu ý, trong trường hợp bị cáo bị áp dụng hình phạt tử hình (hình phạt cao nhất) thì Hội đồng xét xử ra quyết định cụ thể trong bản án về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo để đảm bảo cho quá trình thi hành án.
3. Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại nhưng thời hạn tạm giam bị cáo đã hết thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có được tiếp tục tạm giam không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 358 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Theo đó:
-
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để tiến hành hoạt động điều tra lại khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: có căn cứ cho rằng tòa án sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội danh nặng hơn so với tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm trước đó; việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ và ở cấp phúc thẩm cũng không thể bổ sung; có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng ở giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn truy tố;
-
Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để tiến hành thủ tục xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không đúng thành phần do pháp luật tố tụng hình sự quy định; có hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội tuy nhiên có đầy đủ căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự; miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt hoặc áp dụng các biện pháp tư pháp đối với bị cáo khi không có đầy đủ căn cứ; bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật tuy nhiên không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
-
Khi hủy bản án sơ thẩm để tiến hành hoạt động điều tra lại hoặc tiến hành thủ tục xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt buộc phải ghi rõ lý do về việc hủy bản án sơ thẩm đó;
-
Khi thực hiện hoạt động hủy bản án sơ thẩm để tiến hành thủ tục xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc Tòa án cấp sơ thẩm cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) cần phải áp dụng và những hình phạt có thể áp dụng đối với bị cáo;
-
Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để tiến hành thủ tục điều tra lại hoặc tiến hành hoạt động xét xử lại, mà thời gian tạm giam áp dụng đối với bị cáo đã hết và đồng thời nhận thấy cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có thẩm quyền ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án lại từ đầu. Trong khoảng thời gian 15 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, thành phần hồ sơ vụ án hình sự cần phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.
Như vậy, trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại tuy nhiên thời gian tạm giam đối với bị cáo đã hết và nhận thấy cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ có thẩm quyền ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Toà án cấp sơ thẩm hoặc Viện kiểm sát thụ lý lại vụ án hình sự.
THAM KHẢO THÊM: