Chế độ tai nạn lao động là một trong những chế độ quan trọng đối với mỗi người lao động. Vậy theo quy định thì những trường hợp nào không được hưởng chế độ tai nạn lao động?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động:
1.1. Trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả:
Điều 43 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định đối tượng được áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Điều này quy định rằng đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chính là những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm có:
– Người làm việc theo
+ Hợp đồng lao động không xác định về thời hạn;
+ Hợp đồng lao động xác định về thời hạn;
+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc là theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
+ Hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của chính người lao động mà dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật hiện hành về lao động.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động mà có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Các cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác ở trong tổ chức cơ yếu;
– Các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân;
– Các sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân;
– Những người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Những hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân;
– Những hhạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;
– Các học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã mà có hưởng tiền lương;
– Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà pháp luật có quy định.
Thêm nữa, tại Điều 45 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về các điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, Điều này có quy định người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ có quyền được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Bị tai nạn thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc là ở trong giờ làm việc mà
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của chính người sử dụng lao động hoặc là do người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và trong tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc những trường hợp trên.
– Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu như mà thuộc một trong các nguyên nhân sau:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không có liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của chính bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với các quy định của pháp luật.
Qua các quy định trên, những trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả bao gồm có:
– Những người lao động không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa nêu trên.
– Những người lao động bị tai nạn nhưng không thuộc các trường hợp bị tai nạn được hưởng chế độ tai nạn lao động đã nêu ở trên.
– Những người lao động bị tai nạn lao động nhưng suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
– Những người lao động mà bị tai nạn do:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không có liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của chính bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với các quy định của pháp luật.
1.2. Trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động do người sử dụng lao động chi trả:
Căn cứ Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì những trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động do người sử dụng lao động chi trả bao gồm có:
– Tai nạn lao động do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không có liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Tai nạn lao động do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của chính bản thân;
– Tai nạn lao động do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với các quy định của pháp luật.
2. Có được hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động khi không được hưởng chế độ tai nạn lao động:
Điều 54 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do có tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà về sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần đã bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp mà chưa nhận được kết luận giám định về mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian là 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn sẽ được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi mà điều trị thương tật, bệnh tật nếu như Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thêm nữa, Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về giải quyết việc hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Điều này quy định giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
– Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn là 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phải giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho các đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Như vậy, qua các quy định vừa nêu có thể khẳng định được rằng người lao động không được hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động khi không được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.