Không phải trường hợp nào người gây tai nạn chết người cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vậy trường hợp nào gây tai nạn chết người không phải bồi thường?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp gây tai nạn chết người không phải bồi thường?
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm những căn cứ sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến những vấn đề sau của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường:
+ Tính mạng;
+ Sức khoẻ;
+ Danh dự;
+ Nhân phẩm;
+ Uy tín;
+ Tài sản;
+ Quyền, lợi ích hợp pháp khác.
– Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:
+ Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng.
+ Thiệt hại phát sinh là do hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
– Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản gây thiệt hại đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp có gây thiệt hại mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã nêu trên.
Theo đó, người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản sẽ không phải thực hiện chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp là thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại phát sinh là do hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã quy định rõ:
– Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan mà không thể lường trước được và cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
– Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định rõ chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
– Thiệt hại đã xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
– Thiệt hại đã xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, qua các phân tích trên có thể khẳng định được rằng không phải trường hợp nào người gây tai nạn chết người cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, những trường hợp sau đây gây tai nạn chết người thì không phải bồi thường:
– Thiệt hại đã xảy ra (chết người) là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
– Thiệt hại đã xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
2. Gây tai nạn chết người không phải bồi thường nhưng có bị đi tù:
Theo quy định tại Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi, bổ sung 2018, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của mọi người dân. Đặc biệt là người tham gia giao thông đường bộ, những người này phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cả cho người khác, bao gồm:
– Người điều khiển, người sử dụng phương tiện;
– Người điều khiển, dẫn dắt súc vật;
– Người đi bộ.
Khi xảy ra tai nạn, dẫn đến hậu quả thì chủ phương tiện và lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây ra các thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt tù trong trường hợp:
– Làm chết người;
– Gây tổn hại sức khỏe, thương tích của 01 người với tỷ lệ là 61% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên;
Với quy định nêu trên, người tham gia giao thông sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu:
– Không chấp hành những quy định về an toàn giao thông.
– Gây ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo các quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Do đó, nếu gây ra hậu quả chết người nhưng không vi phạm quy định giao thông đường bộ như đi đúng phần đường, đúng tốc độ… chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Ví dụ về trường hợp gây tai nạn chết người không phải bồi thường:
Tại Bản án số 42/2018/DS-ST ngày 09/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã xét xử sơ thẩm về vụ án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tính mạng, cụ thể:
” Vụ tai nạn giao thông đã xảy ra vào lúc 19 giờ 20 phút vào ngày 12/9/2016, tại xã T, huyện Giồng Riềng giữa một xe honda BS 68 T6 – 5119 do ông Võ Văn C là người điều khiển chở sau là ông Võ Văn M và xe ô tô 7 chỗ BS 68A 015.96 do tài xế là anh Lê Quốc T điều khiển xe. Hậu quả của vụ tai nạn trên khiến cho ông C và ông M bị xe ô tô 7 chỗ cán chết.
Nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông đã xác định là ông Võ Văn C là người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu đã vượt mức cho phép 139,98 mg/100ml máu, phía sau là chở ông M, không làm chủ được tay lái, loạng choạng trượt ngã sang lề bên trái gây ra tai nạn. Anh T chạy không vượt quá tốc độ cho phép, không sử dụng rượu bia khi điều khiển.
Các đồng nguyên đơn là gia đình của ông Võ Văn M và gia đình ông Võ Văn C đã khởi kiện yêu cầu anh Lê Quốc T và bà Danh Thị Thu Đ là chủ của phương tiện cùng liên đới phải bồi thường thiệt hại tính mạng cho chồng, cha và con của các đồng nguyên đơn” .
Trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng đã đưa ra những lập luận như sau:
Đối với việc yêu cầu anh Lê Quốc T phải thực hiện bồi thường thiệt hại:
– Theo quy định tại mục 1 phần I của
– Thấy rằng thiệt hại xảy ra là có thật, hậu quả đã làm cho ông C và ông M chết, đã làm mất mát và tổn thất tinh thần cho các nguyên đơn. Tuy nhiên thì căn cứ vào những lời khai của những người đã chứng kiến sự việc được do Cơ quan cảnh sát điều tra của công an huyện Giồng Riềng thu thập, căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, sơ đồ của hiện trường vụ tai nạn, biên bản xác định về các nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường bộ, xác định được ông Võ Văn C là người điều khiển xe phía sau chở ông M không làm chủ được tay lái của mình, loạng choạng trượt ngã sang lề trái gây ra tai nạn, sự việc diễn ra bất ngờ cho nên việc anh T là người điều khiển xe ô tô cán phải dẫn đến thiệt hại tính mạng của ông C và ông M.
– Theo quy định tại Điều 11 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (hiện tại là Điều 20 của Bộ luật Hình sự năm 2015) thì sự kiện bất ngờ là khi người thực hiện hành vi mà không thấy trước được hoặc không buộc phải thấy trước được hậu quả của hành vi đó thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và cơ quan cảnh sát điều tra của công an huyện Giồng Riềng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cho nên hành vi trên của anh T cũng không được xem là hành vi trái pháp luật.
– Mặc khác, ông C là người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ nhưng ở trong biên bản kết luận giám định pháp y về hóa pháp xác định nồng độ cồn có trong máu vượt mức cho phép là 139,98 mg/100ml máu. Bản thân anh T đã chấp hành rất nghiêm chỉnh quy định của luật giao thông đường bộ như có giấy phép lái xe, chạy không vượt quá so với tốc độ cho phép, không sử dụng chất kích thích rượu bia,… khi điều khiển phương tiện. Do đó, anh T không có lỗi dẫn đến thiệt hại mà lỗi là do ở phía ông C. Vì vậy, anh Lê Quốc T không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.