Các trường hợp được phép công chứng tại nhà? Trình tự công chứng ngoài trụ sở? Những lưu ý khi công chứng tại nhà? Tư vấn pháp luật?
Công chứng là một trong các hoạt động diễn ra phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, thực tế cho thấy hầu hết các các cá nhân, tổ chức ở nước ta đều thực hiện việc công chứng các loại giấy tờ hoặc hợp đồng theo quy định của pháp luật công chứng. Xuất phát từ thực tế thì nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức ngày càng nhiều, nhưng không phải ai cung đến được trụ sở công chứng để thực hiện việc công chứng này. Cho nên pháp luật nước ta cũng quy định những trường hợp công chứng ở ngoài trụ sở bao gồm những trường hợp nào? Để giải đáp thắc mắc về câu hỏi Có được công chứng ngoài trụ sở? Trường hợp công chứng tại nhà? Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về Có được công chứng ngoài trụ sở? Trường hợp công chứng tại nhà? theo quy định mới nhất năm 2021. Và các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở theo quy định của pháp luật Công chứng.
Cơ sở pháp lý:
– Luật công chứng 2014
–
– Bộ Luật dân sự 2015.
– Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Các trường hợp được phép công chứng tại nhà
Căn cứ theo Điều 44 Luật công chứng 2014 nêu rõ, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
“Điều 44. Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”
– Người yêu cầu công chứng là người già yếu và không thể tự mình đi lại được;
– Người yêu cầu công chứng đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;
– Người yêu cầu công chứng phải có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, có 3 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở đã trả lời cho câu hỏi có được công chứng ngoài trụ sở như tác giả đã nêu ở trên, việc công chứng ngoài trụ sở sẽ giúp giảm bớt thời gian đi lại cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu của người yêu cầu công chứng. Theo như quy định của Luật công chứng thì đối với trường hợp các nhân, tổ chức muốn yêu cầu công chứng ngoài trụ sở phải ghi rõ: Lý do, địa điểm, thời gian yêu cầu công chứng vào Phiếu yêu cầu công chứng.
Và theo quy định của pháp luật công chứng thì việc Công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định nêu trên bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
2. Trình tự công chứng ngoài trụ sở
Trình tự công chứng ngoài trụ sở như sau :
Bước 1: Công chứng viên trực tiếp tiếp nhận và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ xin công chứng ngoài trụ sở. Hồ sơ gồm đơn yêu cầu công chứng ngoài trụ sở và phải nêu rõ lý do yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, văn bản dự thảo về nội dung giao dịch (di chúc hoặc hợp đồng…) và loại các giấy tờ liên quan đến giao dịch.
Bước 2: Công chứng viên trực tiếp thực hiện hoặc chuyển chuyên viên nghiệp vụ thực hiện những việc cụ thể do công chứng viên phân công để chuẩn bị hồ sơ công chứng.
Bước 3: Theo phiếu hẹn, công chứng viên đến nơi công chứng ngoài trụ sở. Công chứng viên kiểm tra năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, giải thích quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu qủa pháp lý của việc công chứng, cho họ đọc dự thảo văn bản công chứng, nếu nội dung văn bản thể hiện đúng ý chí của họ thì hướng dẫn họ ký, điểm chỉ vào văn bản; Trường hợp người yêu cầu công chứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung văn bản và có điều kiện để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung ngay tại chỗ thì công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung; nếu không thì hẹn lại (thời gian hẹn lại : 02 ngày làm việc).
Bước 4: Công chứng viên ký chứng nhận văn bản công chứng.
Bước 5: Văn bản công chứng được đóng dấu và nộp phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định tại Bộ phận thu phí của Phòng Công chứng. Văn bản công chứng ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian và địa điểm thực hiện việc công chứng.
3. Những lưu ý khi công chứng tại nhà
Khi thuộc vào các trường hợp được phép công chứng tại nhà thì người yêu cầu công chứng và người thực hiện công chứng cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, Việc công chứng tại nhà phải được công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản
Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên (Điều 48 Luật Công chứng 2014)
Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy, khi công chứng tại nhà, không hiếm trường hợp công chứng viên không phải là người chứng kiến việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, thường là thư ký công chứng viên – người mang hồ sơ cho khách ký và chứng kiến việc ký, điểm chỉ này.
Đối với công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch bị xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
“3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
c) Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thoả thuận;
đ) Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”
Thứ hai, Người yêu cầu công chứng cung cấp các giấy tờ liên quan đến nội dung công chứng
Cung cấp hồ sơ và các giấy tờ có liên quan tới yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng như:CMND, hộ khẩu; Giấy chứng nhận sở hữu tài sản: sổ đỏ, đăng ký xe, sổ tiết kiệm; các giấy tờ khác có liên quan: giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, bản án ly hôn,
Trong quá trình công chứng không bắt buộc phải điểm chỉ: Việc điểm chỉ theo quy định của pháp luật dùng để thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp như: công chứng di chúc; người yêu cầu công chứng đề nghị; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
4. Tư vấn pháp luật
Tóm tắt câu hỏi:
Anh trai tôi hiện đang thi hành án phạt tù, anh muốn ủy quyền cho tôi làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng anh không thể đến văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền được. Vậy cho tôi hỏi công chứng viên có dịch vụ công chứng ngoài trụ sở làm việc hay không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 139. Đại diện
1. Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
2. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.
4. Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.
5. Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này.”
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đại diện cho anh trai mình thực hiện các giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm.
Khoản 2 Điều 44 Luật công chứng năm 2014 quy định:
“2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”
Theo đó, việc công chứng hợp đồng ủy quyền này có thể được thực hiện ngoài trụ sở làm việc của tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy định của pháp luật.