Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của các cá nhân và các tổ chức đối với bên thứ ba khi có rủi ro xảy ra. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì những trường hợp nào sẽ phải bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
Trước hết, trách nhiệm dân sự là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự. Trách nhiệm dân sự là khái niệm để chỉ trách nhiệm pháp lý liên quan đến tài sản được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, nhằm mục đích bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại, trong đó bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Các biện pháp này thông thường sẽ mang tính cưỡng chế và mức bồi thường sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của các tổ chức và cá nhân đối với bên thứ ba khi có rủi ro xảy ra. Một số loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự phổ biến trên thị trường hiện nay như:
– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ phương tiện xe cơ giới;
– Bảo hiểm của chủ phương tiện xe đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển;
– Bảo hiểm của người sử dụng lao động;
– Bảo hiểm của chủ vật nuôi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 351 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Theo đó:
– Bên có nghĩa vụ đi nhận vi phạm nghĩa vụ đó thì cần phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là khái niệm để chỉ việc bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn hoặc không thực hiện đúng nội dung của nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận ban đầu;
– Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ xuất phát từ lý do bất khả kháng, thì bên có nghĩa vụ sẽ không cần phải chịu trách nhiệm dân sự, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng, có vai trò hỗ trợ thiệt hại khi phát sinh thiệt hại với bên thứ ba. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật đặt ra yêu cầu bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 67/2023/NĐ-CP, có quy định về đối tượng áp dụng của nghị định này. Theo đó, các đối tượng phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bao gồm:
– Chủ phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, hoạt động trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện xe cơ giới;
– Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có khả năng nguy hiểm về cháy nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc;
– Chủ đầu tư, nhà thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư đối với loại bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài;
– Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
2. Giới hạn trách nhiệm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về vấn đề giới hạn trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm được quy định như sau:
– Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam cần phải có nghĩa vụ chi trả cho người được bảo hiểm theo sự thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm;
– Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm/chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam phải có trách nhiệm chi trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba;
– Ngoài việc trả tiền bồi thường theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam còn phải có nghĩa vụ trả thêm các khoản chi phí có liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với bên thứ ba, và các khoản lãi phải trả cho bên thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả bồi thường theo chỉ dẫn của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam;
– Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam theo quy định của pháp luật sẽ không được phép vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;
– Trường hợp người được bảo hiểm cần phải đóng tiền bảo lãnh hoặc người được bảo hiểm cần phải thực hiện thủ tục ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ, hoặc để nhằm mục đích tránh được phải kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm và theo sự thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam cần phải thực hiện thủ tục bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, giới hạn trách nhiệm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ được thực hiện theo điều luật cụ thể nêu trên.
3. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có phải là bảo hiểm bắt buộc không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về bảo hiểm bắt buộc. Theo đó:
– Bảo hiểm bắt buộc là khái niệm để chỉ các loại sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi công cộng, môi trường và bảo đảm an toàn xã hội;
– Bảo hiểm bắt buộc bao gồm các loại bảo hiểm như sau: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định của pháp luật;
– Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm bắt buộc cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc, đồng thời các tổ chức và cá nhân có quyền lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam được phép hoạt động hợp pháp và được phép triển khai thủ tục mua bán các loại bảo hiểm bắt buộc;
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép tiến hành thủ tục triển khai bảo hiểm bắt buộc sẽ không có quyền từ chối mua bán bảo hiểm bắt buộc khi tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm đáp ứng đầy đủ điều kiện để mua bảo hiểm đó theo quy định của pháp luật;
– Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể và chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Theo đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện xe cơ giới được xem là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 67/2023/NĐ-CP bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
THAM KHẢO THÊM: