Bản kết luận giám định là bản có giá trị pháp lý được sử dụng trong công tác điều tra, xét xử là một nguồn chứng cứ có tính chất chuyên môn khoa học. Đối với một yêu cầu giám định thì các bản kết luận giám định có giá trị ngang nhau, không phân biệt cấp bậc của giám định viên cơ quan điều tra phải sử dụng bản kết luận của giám định viên một cách nghiêm túc, không được trích đoạn để sử dụng tùy tiện.
Mục lục bài viết
1. Nhận thức chung về trưng cầu giám định trong điều tra hình sự:
1.1. Trưng cầu giám định là gì?
Bản chất của các hoạt động giám định là việc sử dụng những kiến thức, phương pháp, phương tiện khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận những vấn đề thực tiễn theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội hay của công dân. Khi các hoạt động giám định được hướng vào giải quyết các vụ án hình sự. dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quy định của luật Tố tụng hình sự hoặc luật Tố tụng dân sự thì nó trở thành giám định tư pháp.
Các hoạt động giám định chỉ được tiến hành sau khi có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục nhất định. Đối với các vụ án hình sự, hoạt động trưng cầu giám định được tiến hành chủ yếu ở giai đoạn điều tra, một số trường hợp ở giai đoạn xét xử.
Trưng cầu giám định có những hoạt động đặc trưng chủ yếu sau đây:
– Xác định các vấn đề chuyên môn cần làm rõ dưới dạng câu hỏi.
– Yêu cầu những tổ chức hoặc người nhất định phải tiến hành giám định tư pháp theo trình tự và thủ tục luật định.
– Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc giám định (ví dụ : điều kiện về thời gian, số lượng và chất lượng đối tượng giám định…).
Định nghĩa : Trưng cầu giám định trong điều tra hình sự là hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền, được tiến hành theo trình tự, thủ tục do luật Tố tụng hình sự quy định nhằm sử dụng trí thức khoa học và các nhà chuyên môn vào việc nghiên cứu, kết luận về các vấn đề cần giám định để xác lập, thu thập, củng cố, kiểm tra và đánh giá các tài liệu chứng cứ, phục vụ điều tra và xử lý vụ án hình sự.
1.2. Những người được trưng cầu thực hiện giám định:
– Giám định viên tư pháp ở mọi tổ chức giám định tư pháp.
– Giám định viên ở các ngành chuyên môn.
– Các cán bộ khoa học – kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật hay lĩnh vực nào đó. Những cán bộ này có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực được yêu cầu giám định và tiến hành công việc của mình một cách thành thạo.
Chú ý : Cần phân biệt với các chuyên gia được cơ quan điều tra sử dụng giúp việc ở các hoạt động liên quan đến kiến thức các lĩnh vực chuyên môn (các cán bộ kỹ thuật hình sự hoặc chuyên gia của các ngành, nghề).
1.3. Vị trí, tác dụng của trưng cầu giám định:
Trưng cầu giám định và giám định tư pháp là hai hoạt động khác nhau, nhưng có một mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời, là hai hoạt động tố tụng hợp thành nhằm thu thập chứng cứ. Mối quan hệ được ràng buộc bằng luật Tố tụng và sản phẩm cuối cùng (kết quả giám định) là kết quả chung của các hoạt động này.
Trưng cầu giám định được cơ quan điều tra sử dụng nhằm xác định thủ phạm, phương pháp, phương tiện, thủ đoạn phạm tội… từ đó làm cơ sở áp dụng các biện pháp như bắt, khám xét, hỏi cung.
Trưng cầu giám định có thể được sử dụng để xác định đối tượng tác động của tội phạm và những thiệt hại xảy ra, góp phần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm cụ thể, các chất và mức độ định có hay không có tội phạm xảy ra, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội…
Trưng cầu giám định còn được cơ quan điều tra sử dụng nhằm xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can hay người bị nghi phạm tội, hoặc năng lực nhận thức, năng lực khai báo đúng đắn của người làm chứng, người bị hại đối với tình tiết vụ án, trong trường hợp có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của những người này.
Trong quá trình giám định, giám định viên có thể phát hiện cho cơ quan điều tra những nguyên nhân, điều kiện thực hiện việc phạm tội, những sơ hở thiếu sót của ta và những thủ đoạn hoạt động của kẻ phạm tội. Điều đó có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm hoặc có tác dụng đấu tranh đối với hoạt động phạm tội.
2. Phân loại các trường hợp trưng cầu giám định:
Một số cách phân loại chủ yếu:
a/ Căn cứ vào quy định của pháp luật về sự cần thiết phải xác định các sự kiện trong vụ án mà phần trưng cầu giám định thành hai loại:
– Bắt buộc phải trưng cầu giám định.
– Trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết.
Bắt buộc phải trưng cầu giám định là các trường hợp khi xuất hiện những tình tiết nhất định trong vụ án mà luật Tố tụng hình sự đã quy định thì cơ quan điều tra dù muốn hay không cũng buộc phải trưng cầu giám định (đó là các trường hợp được quy định tại điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết là các trường hợp luật không quy định cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra nhận thấy vấn đề đó phải được giải quyết bằng giám định tư pháp.
Đó là các trường hợp :
+ Khi cần có kết luận giám định làm căn cứ cho việc quyết định tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng khác.
+ Khi cần có kết luận giám định để có chứng cứ nhằm củng cố, hỗ trợ cho các chứng cứ khác, phục vụ cho việc xử lý vụ án.
+ Khi cần có kết luận giám định làm căn cứ xây dựng giả thuyết điều tra.
b/ Căn cứ vào tình huống và kết quả trưng cầu giám định đối với một số vấn đề, ta có thể chia làm ba loại :
+ Trưng cầu giám định.
+ Trưng cầu giám định bổ sung.
+ Trưng cầu giám định lại.
Trưng cầu giám định là tiến hành trưng cầu giám định lần đầu tiên đối với một vấn đề cần giám định nào đó của công tác điều tra, xét xử.
Trưng cầu giám định bổ sung là trưng cầu giám định tiếp theo trưng cầu giám định trước nhằm bổ sung thêm yêu cầu giám định.
Trưng cầu giám định bổ sung được tiến hành trong các trường hợp :
+ Cần nhiều thêm yêu cầu giám định cụ thể mà lần trưng cầu giám định trước chưa nêu đủ, hoặc có thêm yêu cầu giám định mới xuất hiện trong quá trình điều tra.
+ Công tác điều tra có thêm tài liệu, vật chứng mới thuộc yêu cầu giám định lần trước hoặc liên quan chặt chẽ với yêu cầu giám định lần trước.
Trưng cầu giám định lại là trưng cầu giám định theo toàn bộ những yêu cầu đã giám định lần trước khi có căn cứ xác thực nghi ngờ kết luận của giám định viên.
Việc trưng cầu giám định lại được tiến hành khi có một trong những căn cứ sau đây :
+ Có mâu thuẫn rõ ràng giữa kết luận giám định với cơ sở khoa học của kết luận đó.
+ Những phương pháp, phương tiện mà giám định viên sử dụng trong quá trình giám định không đảm bảo tính khoa học và pháp lý.
+ Giám định viên kết luận những vấn đề được giám định vượt quá lĩnh vực chuyên môn hoặc vượt quá trình độ của mình.
+ Kết luận giám định trái người với những tài liệu, chứng cứ khác của vụ án mà những tài liệu, chứng cứ đó đã được kiểm tra và đánh giá là chính xác.
+ Phát hiện giám định viên có mối quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc với bị can hoặc người bị hại hay những người có liên quan khác trong vụ án.
+ Phát hiện giám định viên không khách quan hoặc không vô tư khi tiến hành giám định.
c/ Căn cứ vào số lượng người được trưng cầu giám định, ta có thể chia làm hai loại.
– Trưng cầu cá nhân giám định.
– Trưng cầu tập thể giám định.
Trưng cầu cá nhân giám định là trưng cầu một giám định viên và giám định viên đó phải giải quyết toàn bộ yêu cầu giám định mà cơ quan trưng cầu đặt ra.
Trưng cầu tập thể giám định là trưng cầu nhiều giám định viên trong cùng một lĩnh vực chuyên môn hoặc ở nhiều lĩnh vực chuyên môn cùng tiến hành giám định một vấn đề nào đó.
Trưng cầu tập thể giám định được tiến hành khi
* Yêu cầu giám định đòi hỏi nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
+ Khối lượng tài liệu, vật chứng, mẫu vật lớn và cần có kết luận kịp thời cho công tác điều tra.
+ Vấn đề cần giám định rất phức tạp, đòi hỏi kết luận của tập thể giám định viên để đảm bảo tin cậy
+ Cần giám định lại một yêu cầu giám định do một giám định viên cao cấp hoặc một tập thể định viên đã tiến hành giám định.
d/ Căn cứ vào vấn đề cần giám định liên quan tới một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học mà có hai loại trưng cầu giám định:
– Trưng cầu giám định chuyên khoa.
– Trưng cầu giám định tổng hợp.
Trưng cầu giám định chuyên khoa là trưng cầu đòi hỏi một giám định viên hoặc nhiều giám định viên của một chuyên khoa đảm nhiệm giám định.
Trưng cầu giám định tổng hợp là trưng cầu đòi hỏi những giám định viên thuộc nhiều chuyên khoa đảm nhận giám định.Việc giám định tổng hợp được tiến hành bằng nhiều phương pháp thuộc các chuyên khoa khác nhau trên cùng một đối tượng giám định hoặc trên nhiều đối tượng giám định có liên quan với nhau để cùng giải quyết một yêu cầu điều tra cụ thể.
e/ Căn cứ vào lĩnh vực chuyên môn giám định mà có các loại trưng cầu giám định sau :
– Trưng cầu giám định pháp y.
– Trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
– Trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự.
– Trưng cầu giám định kế toán tài chính.
– Trưng cầu giám định văn hoá, nghệ thuật.
– Trưng cầu giám định trong từng lĩnh vực khoa học – kỹ thuật.
3. Tiến hành trưng cầu giám định:
3.1. Giai đoạn chuẩn bị:
Trong giai đoạn này, cơ quan điều tra phải làm các công việc sau đây :
a/ Nghiên cứu tổng hợp toàn bộ các nguồn tài liệu tin tức có liên quan ; trực tiếp xem xét, nghiên cứu tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật đã thu được. Yêu cầu của việc nghiên cứu là :
– Xác định những yêu cầu điều tra cần phải giải quyết bằng giám định.
– Sơ bộ đánh giá về số lượng, chất lượng những tài liệu, vật chứng, dấu vết thu thập được xem có đủ yếu tố giám định không và những thông tin có thể khai thác được, xem xét mức độ đầy đủ đối với tài liệu mẫu, vật mẫu trong trường hợp giám định so sánh.
– Xác định thông tin, tài liệu có liên quan cung cấp cho giám định viên.
– Nghiên cứu những nội dung liên quan về thể loại trưng cầu giám định và xác định những yêu cầu giám định cần đặt ra.
– Xác định những công việc phải làm thêm, như thu thập thêm vật chứng, dấu vết, mẫu vật… để khẩn trương thực hiện.
b/ Nếu yêu cầu giám định.
– Căn cứ để nêu yêu cầu giám định :
+ Việc nêu yêu cầu giám định cụ thể phải dựa trên những vấn đề cần làm rõ của yếu tố cấu thành tội phạm và các giả thuyết điều tra.
+ Phải căn cứ vào khả năng của cơ quan điều tra trong việc cung cấp cho tổ chức giám định tư pháp những tài liệu, vật chứng, dấu vết… có đủ yếu tố để giám định, có đủ tài liệu mẫu. vật mẫu theo yêu cầu giám định so sánh và những điều kiện tối thiểu cho công tác giám định hay không.
+ Phải căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của tổ chức giám định tư pháp và của giám định viên (năng lực, trình độ, phương tiện…).
– Những điều cần phải tuân thủ khi nêu yêu cầu giám định : yêu cầu giám định được đặt ra dưới dạng câu hỏi, do đó cần phải tuân thủ những điều kiện sau đây :
+ Câu hỏi đặt ra phải rõ ràng, cụ thể, dứt khoát, tránh dài dòng thiếu chuẩn xác có thể gây nhầm lẫn.
– Câu hỏi đặt ra phải thích đáng, phù hợp. không vượt quá giới hạn lĩnh vực chuyên môn của giám định viên.
+ chỉ đặt ra những vấn đề có tính chất chuyên môn chứ không yêu cầu giám định viên giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ của điều tra viên.
+ Câu hỏi đặt ra phải nhằm mục đích tận dụng được những khả năng cao nhất của tổ chức giám định và giám định viên.
+ Các câu nói đặt ra phải được sắp xếp theo thứ tự hợp lý và có thể trực tiếp bổ sung thêm dựa trên những vấn đề mới do giám định viên phát hiện trong quá trình giám định.
+ Từ hệ thống các câu hỏi được nêu ra, dẫn làm toát lên mục đích nhằm xác định đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của hành vi phạm tội của kẻ phạm tội, (ví dụ : đối tượng tác động của tội phạm là tài liệu bí mật Nhà nước thì cần đặt câu hỏi về cơ quan quản lý, mức độ mật, công dụng và khả năng sử dụng của tài liệu đó).
+ Những vấn đề đặt ra để giám định cần tính đến thời gian, hiệu quả, chi phí… của quá trình giám định.
b. Lựa chọn và xác định người giám định và cơ quan giám định:
Căn cứ vào hình thức tổ chức, chức năng, thẩm quyền giám định tư pháp của các cấp tổ chức giám định mà lựa chọn và xác định cơ quan giám định phù hợp.
Ở cấp Trung ương: Tổ chức giám định pháp y được thành lập ở Bộ y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng; tổ chức giám định pháp y tâm thần được thành lập ở Bộ y tế ; tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được thành lập ở Bộ Nội vụ; tổ chức giám định kế toán tài chính được giám định ở Bộ Tài chính ; tổ chức giám định tác phẩm văn học – nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật được thành lập ở Bộ Văn hoá; tổ chức giám định trong từng lĩnh vực khoa học – kỹ thuật được thành lập ở Ủy ban khoa học nhà nước và Bộ chuyên ngành.
Tổ chức giám định tư pháp ở Trung ương thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương ra quyết định trưng cầu và giám định các vụ việc phức tạp do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trưng cầu.
Ở cấp tỉnh (tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương) : thành lập tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kế toán tài chính và các tổ chức giám định khác.
Tổ chức giám định tư pháp ở cấp tỉnh thực hiện giám định các vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trưng cầu.
Việc lựa chọn người giám định để trưng cầu giám định thường chỉ được đặt ra trong trường hợp trưng cầu đích danh giám định viên tư pháp hoặc trưng cầu người làm giám định ở những ngành không có tổ chức giám định tư pháp. Khi lựa chọn người giám định cơ quan điều tra nên dựa vào những tiêu chuẩn mà Nhà nước quy định đối với giám định viên tư pháp về phẩm chất chính trị, về trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
c/ Chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc giám định:
Cơ quan điều tra phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho hoạt động của giám định viên, thông thường như sau :
– Trưng cầu giám định theo đúng thủ tục pháp lý.
Vật chứng dấu vết, tài liệu, mẫu so sánh, mẫu chuẩn đảm bảo đầy đủ về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của giám định viên
Tập hợp đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết cho yêu cầu giám định.
Những điều kiện cần thiết để giám định viên nghiên cứu thí nghiệm tại hiện trường hoặc những nơi khác ngoài cơ quan giám định.
Dự trù kinh phí cho công tác giám định tư pháp và chi trả phụ cấp cho giám định viên.
3.2. Giai đoạn tiến hành:
* Ra quyết định trưng cầu giám định.
Phải có quyết định trưng cầu giám định riêng đối với từng loại đối tượng giám định.
Trong mẫu văn bản quyết định trưng cầu giám định, điều tra viên cần ghi rõ vào các mục tương ứng về :
Tên cơ quan trưng cầu giám định.
Họ và tên, chức vụ người ra quyết định
– Nội dung yêu cầu giám định.
– Tên cơ quan thực hiện giám định hoãn giám định viên thực hiện giám định.
– Yêu cầu về thời gian kết luận giám định.
– Các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật giao cho giám định viên sử dụng trong quá trình giám định.
– Cuối cùng, người ra quyết định ký tên và đóng dấu cơ quan trưng cầu.
Kèm theo văn bản quyết định trưng cầu giám định, trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra có thể làm thêm một
Cơ quan điều tra cần tính toán, lựa chọn thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định để có lợi nhất cho các yêu cầu khác của điều tra, và xác định thời gian cụ thể cho việc giám định dựa trên yêu cầu điều tra và khả năng giám định.
Thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định có thể là bất kỳ lúc nào trong cả giai đoạn điều tra vụ án. Ra quyết định lúc nào là phụ thuộc vào các yếu tố về trạng thái vật chứng, dấu vết, mẫu vật đã thu thập được, về vị trí, tính chất của kết luận giám định đối với công tác điều tra, về thời gian cần thiết cho theo hoạt động giám định… các yếu tố đó được biểu hiện cụ các tình huống thực tế của vụ án. Điều tra viên căn cứ vào các yếu tố của tình huống đó để tính toán lựa chọn thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định. Cụ thể là:
Khi xuất hiện nguy cơ vật chứng, dấu vết, mẫu vật bị mất tính nguyên vẹn ban đầu do điều kiện tự nhiên tác động thì phải ra quyết định trưng cầu giám định ngay lập tức.
Khi phát hiện những yêu cầu cấp bách của cuộc điều tra, đòi hỏi phải có kết luận giám định thì cũng phải ra quyết định trưng cầu giám định ngay.
– Xác định được vai trò, tính chất không cấp bách của kết luận giám định đối với các hoạt động điều tra thì có thể chưa ra quyết định trưng cầu giám định ngay, để tập trung vào những hoạt động khác cấp bách hơn. Tuy nhiên, nếu thời gian giám định đòi hỏi tương đối dài thì nếu ra quyết định sớm để không làm ảnh hưởng đến thời hạn điều tra đã qui định.
– Khi có yêu cầu giữ bí mật về phương hướng và đối tượng điều tra của vụ án thì thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định cần phải được tính toán thận trọng. Trong trường hợp này cơ quan điều tra chỉ có thể ra quyết định trưng cầu giám định cần phải được tính toán thận trọng. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ có thể ra quyết định trưng cầu giám định khi có khả năng tổ chức được việc hạn chế phạm vi người biết về hoạt động giám định.
* Thực hiện quyết định trưng cầu giám định.
Ngay sau khi ra quyết định, cơ quan điều tra phải khẩn trương xúc tiến quan hệ với cơ quan giám định và giám định viên. Trước cơ quan giám định, cơ quan điều tra đặt yêu cầu giám định thật chính xác với những tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật yêu cầu giám định.
Có thể xảy ra trường hợp giám định viên từ chối kết luận giám định, cơ quan điều tra phải xem xét lý do từ chối của họ có chính đáng hay không.
Theo quy định của pháp luật. giám định viên phải giữ bí mật về nội dung và kết quả giám định. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt (ví dụ : tài liệu giám định có tính chất tuyệt mật…) thì ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, cơ quan điều tra cần cân nhắc lại cho giám định viên yêu cầu không được tiết lộ bí “mật về tài liệu. nội dung kết quả cuộc giám định. Nếu tiết lộ thì tùy trường hợp có thể chịu trách nhiệm theo các điều 92, 93, 232, 223, 262, 263 Bộ luật hình sự. Nội dung
Trong trường hợp yêu cầu giám định phức tạp, khó khăn, cơ quan điều tra nên trực tiếp trao đổi, bàn bạc với giám định viên, nói rõ ý đồ của mình và thống nhất những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các bên.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của giám định viên, tạo mọi điều kiện để giám định viên tiến hành giám định có kết quả tốt. Trong quá trình giám định, cơ quan điều tra không được can thiệp vào nghiệp vụ chuyên môn của giám định viên, nhưng có quyền tham dự trong quá trình đó, đồng thời có thể yêu cầu giám định viên giải thích những vấn đề cần thiết có liên quan đến nội dung giám định. Việc tham dự này phải được báo trước cho giám định viên biết.
Cơ quan điều tra có quyền thay đổi giám định viên trong trường trường hợp quy định tại các điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự và điều 8 Nghị định số 117 HĐBT.
Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm giữ mối quan hệ thường xuyên với giám định viên trong suốt quá trình giám định để tạo điều kiện tốt cho giám định, và như vậy cũng sẽ có tác dụng tốt cho việc đánh giá kết quả giám định vì điều tra viên đã có điều kiện theo dõi cả quá trình giám định cụ thể là phải:
* Đáp ứng kịp thời, đầy đủ những yêu cầu cần thiết cho việc tiến hành giám định.
+ Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của giám định viên, bố trí cho giám định viên tham dự những buổi hỏi cung bị can, nhân chứng về những vấn đề liên quan đến đối tượng giám định.
+ Tạo điều kiện cho giám định viên nghiên cứu tại nơi xảy sự việc (về thời gian, hiện vật, người giúp đỡ, bảo vệ, đài thọ kinh phí cần thiết cho yêu cầu nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm…).
Trao đổi thông tin giữa cơ quan điều tra và giám định phải được tiến hành thường xuyên. Trong những tình huống khẩn cấp của cuộc điều tra, cơ quan điều tra có thể tổ chức cho giám định viên tiến hành giám định tại nơi điều tra.
Trong trường hợp xuất hiện khả năng giám định viên và hoạt động giám định bị đe dọa sự an toàn (bị cưỡng bức, tấn công bằng mua chuộc, đe dọa tính mạng, bị đánh cắp, thiêu hủy tài liệu giám định…) cơ quan điều tra phải lập tức tiến hành tổ chức việc phong tỏa, bảo vệ giám định viên và hoạt động giám định, phối hợp các lực lượng để ngăn chặn, phòng ngừa sự tấn công đó.
4. Đánh giá và sử dụng kết quả giám định:
4.1. Đánh giá kết quả giám định:
Việc đánh giá kết quả giám định được tiến hành theo hai bước:
Bước 1: Đánh giá riêng đối với bản kết luận giám định.
Bước 2 : Đánh giá kết quả giám định trong mối quan hệ với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được.
Khi đánh giá riêng bản kết luận giám định phải dựa vào các căn cứ sau đây để xác định tính đúng đắn và hoàn chỉnh.
– Vật chứng, dấu vết, mẫu so sánh đảm bảo yêu cầu pháp lý và kỹ thuật.
– Các phương pháp, phương tiện giám định là đúng đắn, chính xác thích hợp.
– Những kết quả thu được trong quá trình giám định đủ
– Những mâu thuẫn tồn tại được giải thích hợp lý.
– Những cơ sở để kết luận là đủ và có căn cứ khoa học.
Bản kết luận giám định được trình bày một cách khoa học thể hiện trên các mặt : bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cần lưu ý về giá trị pháp lý của bản kết luận giám định.
Sau khi đánh giá riêng bản kết luận giám định, cơ quan điều tra tiến hành đối chiếu, phân tích kết quả giám định trong mối quan hệ với các tài liệu, chứng cứ khác xem có phù hợp hay không.
Trong tình huống nảy sinh mâu thuẫn giữa kết quả giám định với các tài liệu, chứng cứ khác thì phải đánh giá thận trọng, khách quan tất cả các tài liệu, chứng cứ đã thu thập để giải quyết mâu thuẫn. Trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định lại. Nếu cơ quan điều tra thấy kết luận của giám định viên chưa rõ thì tiếp tục trao đổi với giám định viên để làm sáng tỏ thêm. Khi cần có thể yêu cầu giám định viên giải thích bằng văn bản.
4.2. Sử dụng kết quả giám định:
Kết quả giám định được thể hiện ở kết luận giám định và những thông tin khác từ quá trình giám định.
* Các loại kết luận giám định.
– Kết luận khẳng định: là kết luận dứt khoát, đối với vấn đề cần giám định đã được đặt ra, nó có tính chất xác định dứt khoát.
Kết luận khẳng định thì có giá trị chứng cứ được cơ quan điều tra làm cơ sở cho các hoạt động điều tra hoặc làm chứng cứ trong hồ sơ pháp lý.
– Kết luận khả năng là kết luận không dứt khoát đối với vấn đề cần giám định đã được đặt ra. nhưng nó có xu hướng xác định về một người, một vật hoặc một sự việc nào đó. Việc xác định như vậy có thể đúng hoặc không đúng.
Kết luận khả năng nói chung không có giá trị để chứng minh khẳng định những yêu cầu đặt ra cần giám định, cơ quan điều tra chỉ dùng nó làm tài liệu tham khảo trong quá trình điều tra, làm căn cứ cho việc xây dựng các giả thuyết điều tra.
– Việc không kết luận được của giám định viên có thể vì những lý do sau đây:
+ Các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật mà cơ quan điều tra chuyển đến không đủ cơ sở để kết luận giám định.
+ Giám định viên không đủ điều kiện về thời gian, phương tiện, cơ sở, kinh phí… để giám định.
+ Giám định viên không du trình độ để kết luận.
Cơ quan điều tra phải tìm hiểu cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc giám định viên không kết luận giám định được để có cách giải quyết phù hợp.
Kết luận về sự đồng nhất : là kết luận khẳng định trực tiếp về một người, một vật, hoặc một sự việc.
Kết luận về sự đồng nhất được sử dụng làm chứng cứ xác định có tội hoặc xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can hay làm cơ sở trực tiếp cho những nhiệm vụ của điều tra.
Kết luận về sự đồng loại: là kết luận xác định về một nhóm người, một nhóm vật, hoặc một nhóm sự việc (ví dụ: kết luận về giới tính của thủ phạm…).
Kết luận về sự đồng loại nói chung được cơ quan điều tra sử dụng để xác định diện người bị tình nghi, diện vật chứng cần tìm. diện sự việc cần kiểm tra hoặc là cơ sở chứng cứ để loại trừ người, vật, sự việc không liên quan. Trong một số trường hợp, kết luận về sự đồng loại được sử dụng làm chứng cứ trong điều kiện tổ hợp các tài liệu, chứng cứ.
* Tiến hành phân loại thông tin trước khi sử dụng.
Những thông tin từ kết luận giám định và từ quá trình giám định cần được cơ quan điều tra phân loại thành:
– Thông tin về người.
– Thông tin về phương pháp, thủ đoạn tội phạm.
– Thông tin về phương tiện thực hiện tội phạm.
– Thông tin về đối tượng tác động của tội phạm.
– Thông tin về thời gian, diễn biến, nguyên nhân sự việc…
Các thông tin trên cần phải được phân loại cụ thể hơn nữa tùy theo đặc điểm của yêu cầu điều tra mới có thể sử dụng đúng đắn. Ví dụ, thông tin về người được phân ra :
+ Thông tin về thủ phạm.
+ Thông tin về những người liên quan.
+ Thông tin loại trừ những người không liên quan.
* Sử dụng kết quả giám định.
Kết quả giám định được cơ quan điều tra sử dụng để kết luận một vấn đề phải là những kết luận khẳng định của giám định viên và những kết luận đó là những kết luận về sự đồng nhất. Trên cơ sở đó cơ quan điều tra kết luận các vấn đề như : có tội phạm xảy ra hay không, xảy ra như thế nào, ai là thủ phạm, phạm tội bằng phương tiện gì….
Nếu kết luận giám định là những kết luận khả năng hoặc những kết luận khẳng định về sự đồng loại thì cơ quan điều tra sử dụng nó làm cơ sở để xây dựng giả thuyết điều tra và các biện pháp kiểm tra giả thuyết.
Về chiến thuật, các thông tin khai thác được từ quá trình giám định đều có thể được sử dụng vào các hoạt động cụ thể của cơ quan điều tra như : để hỏi cung bị can hay người bị tình nghi, nhân chứng hoặc người bị hại; khám xét hoặc thực nghiệm điều tra… khi sử dụng các thông tin đó, cơ quan điều tra cần hết sức chú ý về phạm vi chứng minh, mức độ tin cậy và khả năng pháp lý của tài liệu giám định.
Việc sử dụng kết quả giám định phải đặt nó trong mối quan hệ tổng thể với các tài liệu, chứng cứ đã có, xác định mối liên quan trực tiếp hay gián tiếp với những nhiệm vụ của điều tra.
Tóm lại, để sử dụng kết quả giám định thì cơ quan điều tra phải có sự nhận xét, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, sau đó, căn cứ vào giá trị thực tế của tài liệu giám định mà sử dụng linh hoạt vào công tác điều tra và xử lý vụ án hình sự.