Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức? Quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ?
Cán bộ, công chức là đội ngũ quan trọng là lực lượng vận hành bộ máy nhà nước, có vai trò giúp cho hoạt động của Nhà nước được đảm bảo từ Trung ương đến địa phương. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bất kỳ nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến vấn đề quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Cán bộ công chức thi hành nhiệm vụ của mình là một việc hết sức bình thường trong thực tế. Tuy nhiên không phải ai trong chứng ta cũng hiểu được khi thi hành công vụ cán bộ công chức được làm những gì hay làm như thế nào?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức:
Hiện nay, trong xã hội, bất kỳ một chủ thể nào cũng có trách nhiệm cụ thể bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị – xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại. Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân hay các tổ chức sẽ được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương.
Công vụ được hiểu là hoạt động mang quyền lực mang tính quyền lực – pháp lý và được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức hoặc những người được nhà nước trao quyền nhằm mục dích để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ nhân dân.
Theo Luật Cán bộ, công chức quy định về hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, cụ thể như sau: Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.
Cán bộ được hiểu là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua hình thức bầu cử hay phê chuẩn, qua hình thức bổ nhiệm để giữ một chức danh, chức vụ theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, hoặc tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp. Cán bộ là đối tượng thuộc biên chế của Nhà nước và hưởng lương từ quỹ lương của Ngân sách Nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, họ trở thành công chức bằng cách thông qua hình thức đó là tuyển dụng, bổ nhiệm vào các ngạch, chức vụ hoặc chức danh phù hợp trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ các cấp.
Các chủ thể là cán bộ, công chức có trách nhiệm thi hành công vụ theo lệnh của cấp trên cũng như theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ:
Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ bao gồm:
– Cán bộ, công chức được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
– Cán bộ, công chức được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.
– Cán bộ, công chức được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
– Cán bộ, công chức được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ bao gồm:
– Cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Cán bộ, công chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
– Cán bộ, công chức phải chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Cán bộ, công chức phải bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
– Cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
– Cán bộ, công chức có các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ta nhận thấy, khi thực hiện công vụ thì trách nhiệm của cán bộ công chức trong thi hành công vụ như sau:
– Cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
– Cán bộ, công chức phải chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản Nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên.
– Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì cán bộ, công chức sẽ phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, bên cạnh đó còn cần báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Các chủ thể là người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Cán bộ, công chức phải chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãnh phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Cán bộ, công chức sẽ phải tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ta có thể hiểu về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức là phải thực hiện đúng pháp luật và đạt được kết quả tốt nhất, với chi phí thấp nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, tức là nếu cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nhưng chưa tạo được kết quả theo yêu cầu thì chưa thể coi là hoàn thành trách nhiệm công vụ.
Đối với các cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ theo quy định của pháp luật như sau:
– Đối với cán bộ vi phạm quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng các hình thức xử phạt sau:
+ Khiển trách.
+ Cảnh cáo.
+ Cách chức.
+ Bãi nhiệm.
– Đối với công chức vi phạm quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng các hình thức xử phạt sau:
+ Khiển trách.
+ Cảnh cáo.
+ Hạ bậc lương.
+ Giáng chức.
+ Cách chức.
+ Buộc thôi việc.
Ngoài ra, các chủ thể là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:
– Cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc
– Hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ta có thể nói, các quy định của pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức hiện nay khá đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên quy định về hậu quả pháp lý do không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ của cán bộ, công chức còn những thiếu xót. Còn đối với cán bộ, công chức làm việc đúng, nhưng chưa đủ để tạo ra kết quả theo yêu cầu, hoặc làm việc một cách cầm chừng, làm vừa đủ bổn phận, cốt sao không phạm phải khuyết điểm vẫn đang khá phổ biến hiện nay, tức là chưa hoàn thành trách nhiệm công vụ, thì chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý cụ thể.