Đánh số nhà là việc cơ quan quản lý nhà nước xác định số nhà của từng ngôi nhà theo hệ thống nguyên tắc quy ước thống nhất đã được pháp luật quy định. Gắn biển số nhà là việc cơ quan quản lý nhà nước sau khi đánh số thứ tự cho từng ngôi nhà tiến hành thực hiện gắn biển vào vị trí lắp đặt biển số nhà theo quy tắc thống nhất.
Mục lục bài viết
- 1 1. Đối tượng được cấp biển số nhà:
- 2 2. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà:
- 3 3. Quy tắc đánh biển số nhà:
- 4 4. Thủ tục cấp biển số nhà:
- 5 5. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà:
- 6 6. Nguyên tắc đánh số nhà trên tuyến đường giao thông:
- 7 7. Gắn biển số nhà cho nhà mặt đường, nhà trong ngõ:
- 8 8. Kích thước của từng loại biển số nhà, biển chỉ dẫn:
1. Đối tượng được cấp biển số nhà:
Đối tượng được cấp biển số nhà là nhà có giấy phép xây dựng. Theo đó đối tượng được cấp biển số nhà gồm: nhà để ở, công trình xây dựng trên các tuyến giao thông trong khu vực đô thị đại lộ, đường liên tỉnh, liên quận, huyện, thị xã; các phố, ngõ, ngách, hẻm tại các phường, thị trấn; nhóm nhà, ngôi nhà, công trình xây dựng tại khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn Thành phố được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tầng nhà, căn hộ, cầu thang nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Các loại nhà ở, công trình xây dựng không phép, trái phép sẽ không được đánh số và gắn biển số nhà.
2. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà:
Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố là cơ quan quản lý nhà nước về số nhà, chỉ đạo chung về công tác đánh số, gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh/Thành phố. Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã; tổ chức cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo địa bàn phường, xã, thị trấn; trao Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo địa bàn quản lý.
3. Quy tắc đánh biển số nhà:
Mỗi loại nhà sẽ có cách đánh số nhà tương ứng. Theo đó, có ba loại nhà là: nhà mặt đường, nhà trong ngõ, trong ngách; nhà chung cư; và nhà trong nhóm nhà. Vì vậy, quy tắc đánh số nhà cũng có ba loại.
Loại 1: Nhà mặt đường, nhà trong ngõ, nhà trong ngách
Đối với loại nhà này nên nhớ quy tắc “bên trái là số lẻ và bên phải là số chẵn”, đi từ nhỏ đến lớn theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3,..n) theo chiều từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Riêng đối với hẻm (ngõ), hẻm phụ (ngách) thì chiều đánh số nhà như sau: Đối với hẻm (ngõ) chỉ có một đầu thông ra đường thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu hẻm (ngỏ) sát với đường đến nhà cuối hẻm (ngõ). Đối với hẻm (ngõ) thông ra hai phía đường thì chiều đánh số nhà từ đầu hẻm (ngõ) sát với đường mà hẻm (ngõ) mang tên đến cuối hẻm (ngõ) bên kia. Đối với hẻm phụ (ngách) chỉ thông ra một hẻm (ngõ) thì chiều đánh số từ nhà đầu hẻm phụ (ngách) sát với hẻm (ngõ) đến nhà cuối hẻm phụ (ngách).
Loại 2: Nhà chung cư
Quy luật đánh số nhà chung cư có chiều đánh số nhà tương tự như với nhà mặt đường. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm các quy tắc sau: 2 chữ số hàng chục và hàng đơn vị chỉ số căn hộ. 2 chữ số hàng nghìn và hàng trăm chỉ tầng nhà có căn hộ đó. Ví dụ: căn hộ chung cư có số 2501 được hiểu đó là phòng số 01 của tầng 25. Nếu nhà chung cư có 1 cầu thang ở giữa, hành lang ở giữa hoặc không có hành lang thì chiều đánh số theo chiều quay kim đồng hộ, bắt đầu từ căn hộ đầu tiên bên trái của người bước lên tầng nhà đó. Nếu nhà chung cư có nhiều cầu thang thì chọn cầu thang tiếp giáp với lối đi vào. Đánh số tầng nhà chung cư theo quy tắc lấy chiều từ tầng dưới lên trên, bắt đầu từ tầng 1 (không tính tầng hầm) theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3…n). Có thể đặt tầng trệt thay cho tầng 1, khi đó tầng tiếp theo sẽ là tầng 1, tầng 2,…tầng n-1. Đối với tầng hầm thì theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng hầm trên cùng xuống tầng hầm phía dưới, bắt đầu từ tầng hầm gần nhất tầng 1 hoặc tầng trệt theo dãy số tự nhiên (1, 2, 3,…n), để phân biệt với tầng nhà và tầng hầm thì thêm ký hiệu N hoặc H trước số tầng. Ví dụ tầng N1, N2, N3…hoặc H1, H2, H3…
Loại 3: Nhà trong nhóm nhà (Khu dân cư, cư xá)
Nhà trong nhóm nhà được hiểu là trong một khu có nhiều nhà tạo thành các nhóm nhà, mà lối đi giữa các nhóm này không được đặt tên (đường, phố, ngõ, ngách) thì cần phải đánh tên nhóm nhà, cụ thể: Tên nhóm nhà được đánh bằng chữ cái in hóa tiếng Việt theo thứ tự A, B, C…theo nguyên tắc sắp xếp nhà trong khu vực đó. Nếu khu nhà có một biển số nhà thì nhóm nhà được đánh bắt đầu từ nhà nằm gần lối đi tiến dần vào phía cuối khu nhà. Nếu nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ thì theo quy tắc bên trái là A, C, Đ, G, I…và nhóm nhà bên phải là B, D, E, H, K…
Dựa trên tên nhóm nhà, việc đánh tên nhà trong nhóm nhà như sau: Được ghép bởi tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà được đánh theo dãy số tự nhiên 1, 2, 3,…n theo nguyên tắc sắp xếp của các ngôi nhà đó.
4. Thủ tục cấp biển số nhà:
Bước 1: Chủ sở hữu làm Đơn đề nghị cấp, đổi biển số nhà nộp lên UBND huyện/quận/thị xã(nơi có căn nhà) và nộp lệ phí cấp, đổi biển số nhà.
Bước 2: Sau khi xác nhận thông tin, Ủy ban nhân dân cấp Giấy chứng nhận số nhà theo mẫu. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận tùy thuộc mỗi địa phương.
Hồ sơ đề nghị cấp số nhà:
Người được cấp số nhà cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp số nhà (theo mẫu).
– Sơ đồ vị trí căn nhà (chủ nhà tự vẽ hoặc liên hệ UBND phường để trích bản đồ địa chính).
Trường hợp nhà được tạo lập hoặc có biến động sau kê khai nhà đất năm 1999 thì bổ sung các chứng từ liên quan về quyền sử dụng nhà.
Lệ phí cấp biển số nhà:
– Trường hợp cấp mới: không quá 45.000 đồng/1 biển số nhà.
– Trường hợp cấp lại: không quá 30.000 đồng/1 biển số nhà.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết cụ thể lệ phí này.
Một số lưu ý khi gắn biển số nhà:
– Mỗi căn nhà/căn hộ được gắn 1 biển số nhà.
– Trường hợp thay đổi biển số nhà, thì biển số nhà cũ vẫn giữ nguyên, đồng thời gắn thêm biển số nhà mới.
– Trường hợp 1 căn nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, hẻm, hẻm cụt khác nhau thì biển số nhà được gắn ở phía cửa đi chính.
– Nếu nhà ở cửa chính ở tại góc 2 đường, phố, hẻm, hẻm cụt thì được đánh số và gắn biển theo đường, phố, hẻm, hẻm cụt lớn hơn.
– Biển số nhà được gắn tại mặt tiền nhà, giữa phần cột hoặc tường, bên trái cửa đi chính, theo chiều từ phía ngoài vào nhà, tại độ cao 2.5m so với độ cao vỉa hè.
5. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà:
Điều 4. Thẩm quyền quản lý số nhà, đánh số và cấp chứng nhận số nhà
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về số nhà, chỉ đạo chung về công tác đánh số, gắn biển số nhà trên địa bàn Thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã; tổ chức cấp Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
3. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng theo địa bàn phường, xã, thị trấn; trao Giấy chứng nhận số nhà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo địa bàn quản lý.
6. Nguyên tắc đánh số nhà trên tuyến đường giao thông:
Điều 6. Nguyên tắc đánh số nhà trên tuyến đường giao thông chưa có nhà xây liên tục và đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà
1. Đối với những tuyến giao thông chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên toàn tuyến giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đó; trường hợp sử dụng hết quỹ số nhà dự trữ mà có phát sinh tăng số nhà thì áp dụng nguyên tắc chèn số nhà theo quy định tại Điều 18 quy chế này.
2. Đối với đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà:
a) Trường hợp đoạn đường mới xây dựng ở phía đầu tuyến: Nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài nhỏ hơn 24 và liên tục thì số nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số bằng tên ghép của số nhà đầu tuyến hiện có và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C…), đánh số liên tục từ số nhà đầu tuyến hiện có theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt. Trường hợp nhiều hơn 24 thì phải đánh số, gắn lại biển số nhà toàn tuyến theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 18 của Quy chế này.
b) Trường hợp đoạn đường mới xây dựng phía cuối tuyến: thực hiện đánh số nhà tiếp theo theo quy định tại Quy chế này.
7. Gắn biển số nhà cho nhà mặt đường, nhà trong ngõ:
Điều 14. Gắn biển số nhà cho nhà mặt đường, nhà trong ngõ, nhà trong ngách, nhà trong hẻm
1. Mỗi nhà được gắn 01 biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, ngõ, ngách, hẻm khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, phố, ngõ, ngách, hẻm thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, ngõ, ngách, hẻm có mặt cắt ngang lớn hơn.
2. Biển số nhà được gắn tại cửa đi sát hè hoặc đường (đối với đường không có vỉa hè) phía trên giữa cửa đi chính hoặc được gắn tại tường bên trái (theo chiều từ ngoài nhìn vào nhà), cạnh cửa đi chính của ngôi nhà, ở vị trí chiều cao là hai mét (2m) tính từ vỉa hè hiện có, trường hợp đường không có vỉa hè hoặc nhà trong ngõ, ngách, hẻm thì chiều cao 2m được tính từ mặt đường, ngõ, ngách, hẻm hiện có.
Trường hợp nhà có hàng rào sát hè hoặc đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính, phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài vào nhà) ở độ cao là hai mét (2m) tính từ vỉa hè hiện có, trường hợp đường không có vỉa hè hoặc nhà có hàng rào trong ngõ, ngách, hẻm thì chiều cao 2m được tính từ mặt đường, ngõ, ngách, hẻm hiện có.
8. Kích thước của từng loại biển số nhà, biển chỉ dẫn:
1. Biển số nhà mặt đường, nhà trong ngõ, nhà trong ngách, nhà trong hẻm (rộng x cao):
a. Biển có 1 hoặc 2 chữ số: 200 mm x 150 mm;
b. Biển có 3 chữ số: 230 mm x 150 mm;
c. Biển có 4 chữ số: 260 mm x 150 mm.
2. Biển số căn hộ chung cư hoặc phòng (rộng x cao):
a. Biển có 3 chữ số: 170 mm x 100 mm;
b. Biển có 4 chữ số: 190 mm x 100 mm;
3. Biển tên ngõ, ngách, hẻm (rộng x cao):
a. Biển tên ngõ: 560 mm x 320 mm;
b. Biển tên ngách: 420 mm x 240 mm;
c. Biển tên hẻm: 420 mm x 240 mm;
4. Biển tên ngôi nhà trong khu nhà, nhóm nhà (rộng x cao): 850 mm x 650 mm;
5. Biển tên tầng (rộng x cao): 300 mm x 300 mm;
6. Biển tên cầu thang (rộng x cao): 300 mm x 300 mm;
7. Biển sơ đồ khu nhà, nhóm nhà: tùy thuộc quy mô của khu nhà hoặc nhóm nhà nhưng diện tích biển sơ đồ không quá 4m2.