Trình tự, thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Hiện tại tôi có đứa em trai sinh năm 1992 có tiền án cướp giật vừa về hôm 2/9/2015. Đến tết 2016 gia đình tôi phát hiện em trai tôi đang sử dụng ma tuý. Và em trai tôi chưa từng bị chính quyền địa phương nhắc nhở hay can thiệp. Sau nhiều lần thuyết phục và tự nhận thức, em trai tôi đã tự nguyện cai tại nhà nhiều lần nhưng không thành công. Sau này gia đình tôi tìm hiểu biết được có thể giúp em tôi cai bằng phương pháp điều trị sử dụng Metadone.
Ngày 02/06/16 vừa qua, sau khi em tôi uống Metadone về, trên đường về thị bị công an bắt giữ. Khi test que kết quả dương tính. Gia đình tôi đã lên gặp trực tiếp, mang theo đầy đủ hồ sơ điều trị của em tôi lên trình bày và xin được bảo lãnh vì em tôi đang cố gắng thay đổi để thoát nghiện. Nhưng mọi sự trình bày của gia đình tôi đều không được lắng nghe và gạt đi. Em tôi liên lạc về và thông báo rằng em tôi bị bắt đưa đi cai nghiên theo quy định. Gia đình tôi có hộ khẩu thường trú hẳn hoi, vậy khi chúng tôi hỏi lý do đưa đi thì bên công an trả lời bên công an phường, nơi chúng tôi ở không xác nhận thực cư trú em trai tôi.
Và em tôi bị đưa đi theo diện không nơi cư trú rõ ràng. Trong khi thực tế, em trai tôi ở đó. Đêm đó, em trai tôi bị đưa đi liền trong đêm. Câu hỏi thắc của gia đình tôi là em trai tôi bị đưa đi như vậy có đúng pháp luật không? Và chúng tôi có thể khởi kiện vì sự tắc trách đó của phía công an phường nơi chúng tôi thường trú? Xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
– Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
– Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, người bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc khi:
+ Là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên
+ Đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc được giáo dục nhiều lần tại xã, phương, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định.
Theo thông tin bạn cung cấp, em trai bạn sinh năm 1992, như vậy,tính đến thời điểm 2016 thì đã trên 18 tuổi, và đã cai nghiện tại gia đình mà vẫn còn nghiện, mặc dù có nơi cư trú nhất định thì em trai bạn vẫn thuộc vào trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, và hiện nay, pháp luật hiện hành không còn quy định cho phép được bảo lãnh người đi cai nghiện bắt buộc.
Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được áp dụng theo trình tự, thủ tục nhất định, cụ thể là tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221/2013/NĐ-CP.
Trường hợp em trai bạn có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi em trai bạn cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ gửi Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cùng cấp.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Theo thông tin bạn cung cấp, phía công an sau khi test ma túy đối với em bạn thì đã tự ý đưa em trai bạn vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vào không có bất kỳ văn bản thông báo nào, như vậy là sai về mặt trình tự, thủ tục. Trong trường hợp này, gia đình bạn có quyền khiếu nại hành vi của cơ quan công an phường tới người đứng đầu công an phường để giải quyết.
Mục lục bài viết
- 1 1. Áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc
- 2 2. Quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- 3 3. Quy định về việc bảo lãnh người bị bắt đi cai nghiện bắt buộc
- 4 4. Quy định về khám xét nhà ở và đối tượng bắt buộc đi cai nghiện bắt buộc
- 5 5. Hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc
Tóm tắt câu hỏi:
Anh tôi sử dụng ma túy bị bắt lên phường xét nghiệm. Tuy nhiên anh tôi chưa được cai nghiện tại địa phương thì công an bắt anh tôi đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Tôi xin hỏi cơ quan công an làm vậy là đúng hay sai. Nếu sai tôi có thể khiếu nại ở đâu? Hiện giờ gia đình tôi muốn bảo lãnh cho anh tôi về cai nghiện tại nhà thì có được không?
Luật sư tư vấn:
Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013) có quy định vệ Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cụ thể như sau: Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 của Luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Điều 96 có quy định về Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu anh trai của bạn đã được xác định là nghiện ma túy nhưng chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng) mà Công an đã bắt áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là trái với quy định của pháp luật. Việc làm của lực lượng công an là sai. Gia đình bạn có thể khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp này đối với anh trai của bạn và bạn có thể làm và gửi đơn khiếu nại đến chính cơ quan, cá nhân đã ra quyết định áp dụng này.
2. Quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Tóm tắt câu hỏi:
Cho e hỏi. E có người a vì ham vui nên lỡ lao vào con đường ma tuy đá. A ấy sử dụng đc 1tg. Vì gd khuyên cản nên đã bỏ. Nhưng ko hiểu vì sao trên Phường lại mời a của e lên. Test thì vẫn có. Bay giờ tại Phường phải cho đi cai nghiện 6 tháng. Nhưng nhà e muốn bão lảnh vậy có đc ko. Vì a ấy đã ko còn su dụng nữa. Nhưng Phường lại muon a ấy đi. Có cách nào để gíup a ấy k ạh?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 90 và Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
4. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.”
“Điều 96 Quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
“ 1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”
Như vậy, với hành vi nghiện ma túy của anh trai bạn, nếu như bị bắt lần đầu thì sẽ phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nơi có hộ khẩu thường trú. Nếu đã bị áp dụng biện pháp này rồi mà vẫn còn nghiện hoặc bị bắt lần đầu những không có nơi cư trú ổn định thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện. Nếu cơ quan công an, thực hiện sai quy định pháp luật thì anh trai bạn có thể làm đơn khiếu nại về vấn đề này lên thủ trưởng cơ quan công an nơi ra quyết định.
Nếu anh bạn thuộc đối tương bắt buộc phải áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện thì sau một thời gian thực hiện hiện cai nghiện trong cơ sở cai nghiện. Người cai nghiện có thể được bảo lãnh hồi gia nếu thuộc đối tượng: Học viên cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV chuyển sang AIDS giai đoạn cuối (theo quy định và tiêu chí của ngành Y tế) cần có sự chăm sóc thường xuyên của gia đình; Học viên cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện có tiến bộ trong thời gian chấp hành quản lý tập trung tại cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, được thân nhân bảo lãnh xuất cảnh định cư ở nước ngoài hoặc trường học, tổ chức ở nước ngoài có văn bản đồng ý tiếp nhận vào làm việc, học tập; Học viên cai nghiện ma túy khi vào cơ sở chữa bệnh chưa đủ 18 tuổi nhưng khi kết thúc thời gian cai nghiện tập trung đã đủ 18 tuổi, không tự nguyện áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện…
Khi có yêu cầu, nguyện vọng hồi gia từ phía cá nhân và gia đình của học viên cai nghiện, thì các cơ sở quản lí, trung tâm cai nghiện phải căn cứ vào những điều kiện theo quy định của pháp luật để xét duyệt bảo lãnh cho người cai nghiện hồi gia.
Thủ tục bảo lãnh người cai nghiện hồi gia cơ bản được thực hiện theo các bước sau:
Người có yêu cầu, nguyện vọng bảo lãnh cho người cai nghiện hồi gia nộp đơn xin bão lãnh, người bảo lãnh được xác định trong đơn tùy từng trường hợp phải đáp ứng các điều kiện như:
Người ký đơn bảo lãnh hồi gia là một trong những người sau: vợ, chồng, cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn xác nhận; Người ký đơn bảo lãnh có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Người ký đơn bảo lãnh có cùng hộ khẩu với người được bảo lãnh tại nơi mà người được bảo lãnh có hộ khẩu trước khi vào cơ sở chữa bệnh…Kèm theo đó là các giấy tờ như giấy tiếp nhận người cai nghiện làm việc của một cơ sở giải quyết việc làm, giấy xác nhận địa phương nơi gia đình người bảo lãnh không còn tệ nạn ma túy, giấy xác nhận những người cùng hộ khẩu với người cai nghiện không có tiền án tiền sự liên quan đến ma túy. Hồ sơ này được nộp tại các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố. Và tùy trường hợp có thể phải nộp ở Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội.
Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, trong thời hạn 5 ngày làm việc, người bảo lãnh có thể nhận được thông báo từ nơi tiếp nhận hồ sơ về việc bổ sung hồ sơ hoặc từ chối bão lãnh.
Nếu trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc chấp thuận cho hồi gia, Giám đốc cơ sở chữa bệnh, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện có trách nhiệm tổ chức giao nhận người được hồi gia cho người bảo lãnh hồi gia tại trụ sở chính của cơ sở và lập biên bản bàn giao có chữ ký giữa hai bên. Trường hợp người hồi gia là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện thì việc tổ chức bàn giao được thực hiện tại bệnh viện và biên bản bàn giao có chữ ký của bên bàn giao, người bảo lãnh hồi gia và Lãnh đạo bệnh viện.
3. Quy định về việc bảo lãnh người bị bắt đi cai nghiện bắt buộc
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi và chồng không đăng ký kết hôn và cũng không có con (do tôi bị đa nang buồng trứng). Chồng tôi là con một và ba chồng đã mất. Là gia đình có công nuôi giấu Bác Hồ ở Thái Lan. Mẹ chồng và chồng tôi cho thuê căn nhà có đăng ký HKTT và ở nơi khác. Riêng chồng tôi ở tại nhà tôi nhiều năm nhưng không khai báo tạm trú Nay mẹ chồng tôi đã mất và chồng tôi do buồn vì nghĩ không còn ai là người thân ruột thịt nên có sử dụng ma túy đá và bị bắt đi cai nghiện bắt buộc dù chỉ bị lần đầu, do không xác định được nơi cư trú dù vẫn còn HKTT và đang cho thuê lấy tiền sinh sống. Trước kia có nhờ người đứng tên vay ngân hàng và tài sản thế chấp là căn nhà trên, hiện chồng tôi không có khả năng trả nợ đang chờ ngân hàng tịch thu và phát mãi. Xin hỏi người đứng tên vay ngân hàng giùm chồng tôi có được hợp thức hóa chủ quyền căn nhà trên không (căn nhà do Mẹ chồng tôi đứng tên và chỉ có mình chồng tôi là con một duy nhất)? Và chồng tôi có bị xem là vô gia cư để bị đưa đi cai nghiện bắt buộc khi bị bắt lần đầu tiên không? Bản thân chồng tôi không tiền án tiền sự. Nay tôi muốn bão lãnh chồng tôi về có được không? Và nếu được thì cần những thủ tục gì? Trong thời gian bao lâu? Vi chồng tôi bị bắt ngày 14-6-2016 đến ngày 28-7-2016 tôi mới nhận được tin. Đến nay là 24-8-2016 tôi vẫn chưa được bảo lãnh chồng tôi về do nơi tôi ở và nơi chồng tôi đăng ký HKTT không đồng ý xác nhận cư trú cho chồng tôi. Xin hỏi 2 cơ quan nơi tôi ở và nơi anh có HKTT không xác nhận vậy có đúng không? Tôi phải làm gì để được bão lãnh chồng tôi về trong trường hợp này mà không bị gây khó dễ từ phía cơ quan đã bắt và đưa chồng tôi đi cai nghiện bắt buộc . Xin giúp tôi với ah. Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
* Về việc người chồng bạn nhờ vay tiền có trở thành chủ sở hữu căn nhà của chồng bạn không?
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn có nhờ người vay tiền và thế chấp bằng căn nhà của mẹ chồng bạn đứng tên. Nay mẹ chồng bạn đã chết và chồng bạn là người con trai duy nhất của bà.
Nếu mẹ chồng bạn mất có để lại di chúc thì chia thừa kế theo di chúc của mẹ chồng bạn.
Nếu mẹ chồng bạn không có di chúc để lại thì phân chia thừa kế theo pháp luật, chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 “Bộ luật dân sự 2015”:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Chồng bạn là con một, chồng bạn sẽ là người được hưởng thừa kế của mẹ chồng bạn, người đứng tên hộ trên hợp đồng vay tiền không có quyền hợp pháp hóa mảnh đất này.
* Về việc đưa chồng bạn đi cai nghiện bắt buộc?
Căn cứ Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
“1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dịch tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
+ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phương, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Trong trường hợp của bạn, nếu chồng bạn sử dụng ma túy lần đầu thì sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại xã, phường, thị trấn. Tại thời điểm bị công an bắt, nếu chồng bạn không có nơi cư trú ổn định thì sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 12 Luật cư trú năm 2006 quy định nơi cư trú của công dân như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.”
Như bạn trình bày, chồng bạn có hộ khẩu thường trú tuy nhiên chồng bạn không sinh sống tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chồng bạn và bạn sống cùng nhau tuy nhiên không đăng ký tạm trú do đó xác định chồng bạn không có nơi cư trú ổn định.
Bạn nên tới cơ quan công an cấp xã nơi bạn và chồng bạn đang sinh sống để đăng ký tạm trú để có căn cứ chứng minh có nơi cư trú ổn định.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP, không có quy định về bảo lãnh người nghiện ma túy do đó bạn sẽ không thực hiện được thủ tục bảo lãnh.
4. Quy định về khám xét nhà ở và đối tượng bắt buộc đi cai nghiện bắt buộc
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, cho em hỏi bạn em đang ngủ trong phòng thì công an ùa vào xét phòng, rồi bắt bạn em về đồn nhốt. Công an kiểm tra nước tiểu bạn em thì có sử dụng ma túy đá nhưng bạn em không nghiện và công an không bắt được tại trận. Đến trưa 29.8 công an bắt gia đình bạn em kí vào đơn xin cai nghiện và không cho bảo lãnh. Vậy công an làm vậy là sai không ạ? Đến bây giờ bạn em vào trại cai nghiện Tân Thành Tóc Tiên được 3 tuần. Gia đình bạn em muốn bảo lãnh về được không ạ? Nếu được thì bảo lãnh cỡ bao nhiêu ạ. Còn nếu không được thì bạn em đi bao nhiêu tháng? Bạn em là lần đầu bị bắt và được gia đình kí giấy đi ạ. Bạn em sinh năm 1996. Mong luật sự trả lời giúp em?
Luật sư tư vấn:
Về việc cơ quan công an đột xuất khám xét nhà bạn của bạn, khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định như sau:
“1. Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.”
Thẩm quyền ra lệnh khám xét được quy định tại Điều 141 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:
“1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.”
Những người có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 gồm:
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
– Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Như vậy, nếu việc khám xét nhà không dựa trên căn cứ luật định và quyết định khám xét được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền thì việc khám xét nhà là vi phạm pháp luật và bạn có quyền khiếu nại hành vi hành chính đối với những người có liên quan.
Bạn của bạn được xác định là người sử dụng ma túy trái phép theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 14/2012/TTLT- BLĐTBXH- BCA ngày 06 tháng 6 năm 2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an về quy định chi tiết chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.
“3. Người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là người thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đang sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc qua điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; người tự khai báo về việc sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Qua xét nghiệm tìm chất ma tuý trong cơ thể người đó có kết quả dương tính mà không chứng minh được tính hợp pháp của việc có chất ma túy.”
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định:
“Điều 3. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
1.Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn đinh, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
3. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.”
Như vậy, những đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Bạn của bạn sinh năm 1996 nên đã đủ 18 tuổi tại thời điểm vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn của bạn không nghiện chất ma túy , có nơi cư trú ổn định và chưa từng bị bắt hay xử phạt về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nên không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với bạn của bạn.
Theo thông tin bạn đưa ra, cơ quan công an không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà ép gia đình ký vào đơn xin đi cai nghiện tự nguyện cho bạn của bạn. Gia đình bạn của bạn có thể trình báo sự việc đến thủ trưởng cơ quan công an để có hình thức xử lý với chiến sĩ công an giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp bạn của bạn, bạn của bạn được gia đình ký giấy xin đi cai nghiện và đã vào trại cai nghiện được 03 tuần. Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định về việc bảo lãnh đối với người đang trong quá trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Tuy nhiện, vì là trường hợp tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện nên khi không không muốn tiếp tục cai nghiện ở trung tâm cai nghiện, gia đình bạn của bạn có thể thực hiện thủ tục theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 6 Điều 15 Thông tư 14/2012/TTLT- BLĐTBXH- BCA:
“c) Trong thời gian chữa trị, cai nghiện, nếu người tự nguyện xin vào Trung tâm không muốn tiếp tục ở lại Trung tâm thì phải có đơn gửi Giám đốc Trung tâm xem xét, quyết định. Đơn phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ (đối với người chưa thành niên);
d) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được đơn, Giám đốc Trung tâm xem xét, quyết định chấm dứt việc cai nghiện, chữa trị tự nguyện tại Trung tâm; Quyết định được lập thành văn bản và gửi cho cho người tự nguyện, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ (nếu là người chưa thành niên) và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.”
5. Hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Tóm tắt câu hỏi:
Khi ra
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 9 Nghị định 121/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện như sau:
“Điều 9. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:
a) Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Bản tường trình của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
c)
d) Bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này hoặc bản sao Quyết định chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Luật sư
2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:
a) Tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;
b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
c) Tài liệu xác định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định”
Như vậy, theo quy định trên, trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ.