Hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại? Chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại? Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại? Thủ tục đăng kí nhượng quyền thương mại?
Nhượng quyền thương mại là một hoạt động được tiến hành khá thông dụng trên thị trường hiện nay. Pháp luật thương mại hiện hành quy định một số trường hợp cần tiến hành hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
–
– Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại;
– Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Thương mại Hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực
Mục lục bài viết
1. Hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại
Hoạt động nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại đặc thù, được thiết lập trên cơ sở hợp đồng giữa các bên có liên quan, trong đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng một tập hợp các quyền thương mại của mình để tiến hành kinh doanh với tư cách pháp lý độc lập. Bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền theo thỏa thuận. Bên nhượng quyền có thể ràng buộc bên nhận quyền bởi các thỏa thuận nhằm duy trì tính hệ thống hoặc để kiểm soát hoạt động của bên nhượng quyền trên cơ sở hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đào tạo nhân lực cũng như một số cơ sở vật chất cần thiết cho bên nhận quyền thương mại.
Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại là quy định xuất phát từ mục đích quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thương mại đặc thù này. Ở một số nước trên thế giới, quy định này cũng có thể là bắt buộc hoặc khuyến khích với mục đích để Nhà nước có thể thu thập thông tin về hoạt động nhượng quyền, từ đó xây dựng các chính sách, cơ chế pháp lý phù hợp.
Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại là một trong những điều kiện luật định đối với bên nhượng quyền trước khi tiến hành các hoạt động nhượng quyền theo quy định. Thong qua việc đăng ký, Nhà nước có cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động nhượng quyền thương mại, đánh giá thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh nhượng quyền thương mại hay không, quyền thương mại dự định chuyển giao có hợp pháp hay không.
Theo quy định tại Nghị định 120/2011/NĐ – CP, các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền bao gồm nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài. Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đối với hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam. Đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.
2. Chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại
Tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 35/2006/NĐ- CP quy định như sau: “1. Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này.” Theo quy định này chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính là thương nhân dự kiến nhượng quyền. Thương nhân dự kiến nhượng quyền ở đây có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài dự kiến thực hiện hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam,
Hiện nay, quy định về chủ thể thực hiện đăng kí nhượng quyền thương mại còn khá nhiều tranh cãi. Có quan điểm cho rằng việc yêu cầu đăng kí nhượng quyền thương mại áp dụng đối với các thương nhân nước ngoài có thể có sự phân biệt giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài. Việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký với những giấy tờ phải được hợp pháp hóa lãnh sự, các yêu cầu về kiểm toán liên quan đến tài chính cộng thêm thời gian chờ đợi được chấp thuận và nguy cơ bị từ chối việc đăng ký có thể làm ảnh hưởng đến điều kiện cạnh tranh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam so với các thương nhân Việt Nam.
3. Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại
Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại được quy định trong Nghị định số 35/2006/NĐ – CP, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 120/2011/NĐ CP và Thông tư hướng dẫn số 09/2006/TT- BTM. Cụ thể thì hồ sơ bao gồm các văn bản sau:
– Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
– Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam;
– Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
– Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp; (Điều 19 Nghị định số 35/2006/NĐ- CP và Khoản 2 Thông tư số 09/2006/TT- BTM)
Liên quan đến hồ sơ đăng ký, các quy định hiện hành cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập. Theo quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ – CP trong hồ sơ đăng ký của Bên nhượng quyền phải có Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Thông tư 09/2006/TT BTM. Tuy nhiên cho đến nay chưa có bản hướng dẫn đến các nội dung một cách cụ thể, chi tiết các thông tin này khiến các thương nhân nước ngoài gặp nhiều lúng túng.
4. Thủ tục đăng kí nhượng quyền thương mại
Thủ tục đăng kí nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 20 Nghị định số 35/2006/NĐ- CP và được hướng dẫn bởi Thông tư số 09/2006/BTM. Theo đó thì đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện như sau:
Để bắt đầu hoạt động đăng ký, thì chủ thể có nghĩa vụ đăng ký tức bên dự kiến nhượng quyền thương mại tiến hành gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Công thương. Khi tiếp nhận hồ sơ này thì Bộ Công thương có trách nhiệm tiếp nhận và ghi giấy biên nhận gửi cho chủ thể nộp hồ sơ và lưu giấy biên nhận này tại cơ quan đăng ký.
Sau đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện kiểm tra, xem xét tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Cơ quan sẽ yêu cầu thương nhân nộp hồ sơ tiến hành bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ, hoạt động yêu cầu này phải thể hiện bằng văn bản và thời hạn để cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, xem xét là 02 ngày làm việc tính từ khi cơ quan này nhận được hồ sơ từ thương nhân. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan yêu cầu có trách nhiệm giải thích cho thương nhân về yêu cầu của mình khi thương nhân có yêu cầu giải thích.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tức Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Thời hạn thực hiện hoạt động đăng ký này là 05 ngày làm việc, kể từ khi Bộ Công thương nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ thương nhân. Cần lưu ý là 05 ngày làm việc trên không kể đến thời gian thương nhân sửa đổi ,bổ sung hồ sơ đăng ký. Sau khi hoàn tất việc đăng ký, cơ quan đăng ký có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.
Còn trong trường hợp sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá mà hết thời hạn quy định là 05 ngày làm việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì Cơ quan này phải tiến hành thông báo bằng văn bản cho Bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do tại sao không tiến hành đăng ký.
Và tại Khoản 6 Mục II Thông tư số 09/2006/TT- BTM hướng dẫn chi tiết về cách ghi số đăng ký như sau:
“c) Cơ quan đăng ký ghi mã số đăng ký trong Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo hướng dẫn như sau:
+ Mã số hình thức nhượng quyền: NQR là nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, NQV là nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, NQTN là nhượng quyền trong nước.
+ Mã số tỉnh: 2 ký tự theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
+ Mã số thứ tự của doanh nghiệp: 6 ký tự, từ 000001 đến 999999.
+ Các mã số được viết cách nhau bằng dấu gạch ngang.”
Khi tiến hành đăng kí nhượng quyền thương mại, các chủ thể đăng kí có trách nhiệm nộp lệ phí đăng kí nhượng quyền thương mại theo quy định.