Vậy hành động đó của họ có vi phạm pháp luật không? Tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có một trường hợp cần nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư. Cách đây 4 năm tôi và 4 hộ gia đình khác có đăng ký sử dụng chung 1 đường dây điện, do điện không đủ dùng cho sinh hoạt nên nay tôi có đăng ký với điện lực kéo 1 đường dây điện khác để dùng. nay 4 hộ gia đình đó tự ý cắt dây điện dùng chung mà chưa được sự đồng ý của tôi. Vậy hành động đó của họ có vi phạm pháp luật không? Tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình? (Đường dây điện dùng chung đó tôi vẫn đang có nhu cầu sử dụng). Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Vấn đề về sử dụng đường dây điện của gia đình bạn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật điện lực. Theo đó, tại khoản 2 Điều 41 Luật điện lực 2004 ( Sửa đổi, bổ sung 2012) quy định:
“a) Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;
b) Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan điều tiết điện lực;
….”
Như vậy, theo quy định của Luật Điện lực thì trường hợp việc phân phối điện để phục vụ cho hộ gia đình do cơ quan điện lực thực hiện.
Đồng thời tại Điều 46 Luật Điện lực quy định cho khách hàng sử dụng điện có quyền sau đây:
“Điều 46. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện
1. Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:
a) Được lựa chọn bên bán điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;
b) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
c) Yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện;
d) Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin liên quan đến việc mua bán điện và hướng dẫn về an toàn điện;
đ) Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật;
e) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán;
g) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về điện lực của bên bán điện;
h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.
>>> Luật sư
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nhận thấy rằng các hộ gia đình đã đăng ký sử dụng chung một đường dây tải điện, vì vậy cơ quan điện lực có trách nhiệm phân phối và đảm bảo việc sử dụng điện đáp ứng yêu cầu của khách hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời giữa các hộ dùng chung đường dây điện với gia đình bạn xuất phát từ thỏa thuận dân sự. Trường hợp này có các hướng giải quyết như sau:
– Trường hợp thứ nhất: Giữa các gia đình có hợp đồng thỏa thuận, 1 bên đứng ra đại diện ký hợp đồng với bên điện lực
Nếu gia đình bạn thuộc trường hợp này, bạn có thể dựa vào quy định của tại Mục 7 Chương XVII về Hợp đồng dân sự tại “Bộ luật dân sự 2015” để đối chiếu với thỏa thuận trong hợp đồng về các điều kiện, hiệu lực…của hợp đồng. Theo đó, một trong bên vi phạm có thể khởi kiện theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự.
– Trường hợp thứ hai: Các hộ gia đình cùng là một bên đứng ra ký kết hợp đồng với cơ quan điên lực
Như trên đã phân tích về trách nhiệm của cơ quan điện lực và quyền hạn của khách hàng sử dụng, gia đình bạn có thể làm đơn đề nghị cơ quan quản lý điện lực xem xét giải quyết vấn đề của gia đình bạn.