Tranh chấp về hợp đồng bán đất nhưng chưa đăng ký sang tên. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản.
Tranh chấp về hợp đồng bán đất nhưng chưa đăng ký sang tên. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho hỏi: Năm 2015 gia đình tôi không có đủ lao động để sử dụng và canh tác một mảnh đất rừng (thuộc đất rừng sản xuất) diện tích là 3ha. Vì vậy tôi đã nhượng lại cho em chú tôi nhưng chỉ làm giấy tờ mua bán chuyển nhượng cho nhau giữa đôi bên gia đình và xác nhận của trưởng thôn. Đồng thời sự chuyển nhượng đó đã được văn phòng công chứng Thanh Tân công chứng. Như vậy khi có đơn kiện cáo về việc trồng cấy các loại cây trên mảnh đất đó, thì em chú tôi là người phải chịu trách nhiệm với pháp luật hay là gia đình tôi? Xin nhờ luật sư tư vấn giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo căn cứ tại Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:
"Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;"
Theo căn cứ tại Điều 168 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
"Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản
1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Do đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bạn và em của chú bạn là hợp pháp và phát sinh hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, bạn và em chú bạn chưa sang tên sổ đỏ và tiến hành đăng kí biến động nên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn mang tên bạn, vì vậy nếu phát sinh tranh chấp về sở hữu liên quan đến mảnh đất này hoặc những vi phạm trong quá trình sử dụng đất trước khi có sự chuyển nhượng thì bạn sẽ là người phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Luật đất đai 2013:
"Điều 7. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất
5. Chủ hộ gia đình đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình."
Và nếu trên thực tế em chú bạn chưa có hoạt động trồng cấy các loại cây trên mảnh đất đó thì khi có kiện cáo liên quan đến việc trồng cây bạn cũng vẫn là người phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo căn cứ tại Điều 163 và Điều 164 Bộ luật dân sự 2005 quy định về tài sản và quyền sở hữu như sau:
“Điều 163. Tài sản
Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
“Điều 164. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.”
Nếu trên thực tế em chú bạn đã tiến hành trồng trọt, canh tác trên mảnh đất đó thì tất cả những cây trồng trên mảnh đất đó sẽ thuộc sở hữu của em chú bạn. Vì vậy khi đó nếu có đơn kiện cáo liên quan đến việc trồng, cấy các loại cây mà bạn có thể chứng minh được mình không không liên quan đến việc trồng cấy các loại cây đó thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm khi có phát sinh kiện cáo.