Trách nhiệm thanh toán nợ trong hợp đồng vay tín dụng. Quá hạn thanh toán nợ thì xử lý như thế nào?
Trách nhiệm thanh toán nợ trong hợp đồng vay tín dụng. Quá hạn thanh toán nợ thì xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ chồng em có vay 270tr thế chấp tài sản là sổ đỏ trả trong vòng 3 năm, đến nay đã được 1 năm và tới hạn thanh toán gốc. Nhưng trong 1 năm qua chưa thanh toán lãi giờ lại đến hạn trả gốc mà hiện tại vợ chồng em đang gặp khó khăn có thể sẽ không có khả năng trả gốc và lãi. Em mong được mọi người tư vấn giúp em. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất 20/2014/VBHN-NHNN.
– Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn đã có một hợp đồng tín dụng với tổ chức tín dụng với thời hạn là 3 năm. Khoản tiền vay là 270 triệu đồng. Kỳ hạn trả nợ gốc là 1 năm. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất Hết thời hạn 1 năm vợ chồng bạn không có khả năng trả gốc và lãi. Như vậy, vấn đề này quy định như sau:
Khoản 2 Điều 13 Văn bản hợp nhất 20/2014/VBHN-NHNN của ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định:
“2. Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Và điều 22 Văn bản hợp nhất 20/2014/VBHN-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định:
“1. Các tổ chức tín dụng tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay:
a) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay.
b) Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; việc phân cấp, ủy quyền cho các chi nhánh của mình quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải bảo đảm Hội sở chính nắm được kịp thời, đày đủ và chính xác các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong toàn hệ thống. Các tổ chức tín dụng phải gửi quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước ngay sau khi ban hành.
3. Đối với các khoản nợ vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các tổ chức tín dụng phải báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với tổ chức tín dụng.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp tùy thuộc vào khả năng tài chính, khả năng trả nợ của bạn thì có thể xảy ra ba trường hợp sau đây:
Thứ nhất, tổ chức tín dụng đánh giá bạn không có khả năng trả nợ thì sẽ giải quyết như sau: tổ chức tín dụng sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thủ tục thực hiện việc thu hồi nợ được thực hiện theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP của chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm và Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN quy định về hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ hai, nếu bạn được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì bạn sẽ được xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay.
Thứ ba, nếu được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho bạn gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của vợ chồng bạn.
Tóm lại, để giải quyết vấn đề này, bạn cần thỏa thuận lại với tổ chức tín dụng để có thể tìm được phương án giải quyết thích hợp nhất. Khi đó, phụ thuộc vào khả năng tài chính, khả năng trả nợ của bạn mà tổ chức tín dụng có các biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này.