Khái quát chung về trách nhiệm dân sự? Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo quy định mới. Biện pháp bảo lãnh? Giải quyết tình huống?
Bảo lãnh chính là một hình thức để các bên có thể giao kết hợp đồng dân sự với nhau mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của bên có quyền bao gồm cả các trường hợp người có nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc bảo lãnh phải thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật. Vậy Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo quy định mới nhất cụ thể như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Luật sư
1. Khái quát chung về trách nhiệm dân sự
1.1. Trách nhiệm dân sự là gì?
Đầu tiên khi nhắc tới trách nhiệm dân sự thì không thể không nói tới nghĩa vụ đối với trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ dân sự là một quan hệ pháp lý giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ xác định, tại đó bên có nghĩa vụ bị pháp luật cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ. Về điểm này, Bộ luật Dân sự Pháp qui định “hợp đồng giao kết hợp pháp có giá trị như luật đối với các bên giao kết” (Điều 134). Khoản 1 điều 302 Bộ luật dân sự quy định: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.” Như vậy, người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi là trách nhiệm dân sự. Nếu các bên thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình thì quan hệ pháp luật phát sinh là quan hệ nghĩa vụ, còn trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm, quan hệ phát sinh sau đó là quan hệ trách nhiệm.
Theo đó có thể đưa ra kết luận: Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi, áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật dân sự để buộc chủ thể này phải khắc phục những tổn thất đã gây ra.
1.2. Đặc điểm của trách nhiệm dân sự
Thứ nhất, trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý, khác với trách nhiệm đạo đức, mà ở đây trách nhiệm pháp lý có mục đích xác lập các chế tài cụ thể.
Thứ hai, trách nhiệm dân sự không phải là một sự trừng phạt mà là một biện pháp buộc người có hành vi vi phạm pháp luật vào nghĩa vụ bồi thường cho người bị tổn hại do hành vi đó gây ra. Trách nhiệm dân sự khác với trách nhiệm hình sự ở chỗ: trách nhiệm hình sự tập trung sự chú ý vào hành vi; còn trách nhiệm dân sự tập trung sự chú ý vào thiệt hại hay hậu quả của hành vi. Do đó, trong trách nhiệm dân sự, dù có hành vi vi phạm nhưng không có sự thiệt hại, thì không dẫn tới nghĩa vụ bồi thường.
Tuy nhiên, trong trách nhiệm hình sự người ta cũng quan tâm tới hậu quả ở mức độ nhất định. Trách nhiệm hình sự thể hiện sự phản ứng của xã hội đối với kẻ phạm tội trên cơ sở suy diễn hành vi bị trừng phạt đó chống lại sự bình ổn chung của cộng đồng. Ngược lại, trách nhiệm dân sự không phải là sự phản ứng của xã hội đối với người vi phạm mà là sự hỗ trợ của pháp luật đối với người bị thiệt hại do vi phạm gây ra để khôi phục lại tình trạng tài chính như khi không có sự vi phạm. Vì vậy các chế tài dân sự mang tính chất tư, chứ không mang tính chất công như chế tài hình sự. Dù sao cũng có những vi phạm xảy ra làm phát sinh cả trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm lương tâm.
Thứ ba, trách nhiệm dân sự được chia thành trách nhiệm hợp đồng và trách nhiệm ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự.
Trách nhiệm hợp đồng hay trách nhiệm ngoài hợp đồng giống nhau ở chỗ đều phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ, nhưng được phân biệt bởi nghĩa vụ bị vi phạm phát sinh từ hợp đồng hoặc từ pháp luật. Tuy nhiên sự phân biệt có ý nghĩa trong việc chứng minh. ở đây, cần phân biệt thêm rằng, trách nhiệm hợp đồng là một nguồn gốc phát sinh nghĩa vụ khác với hợp đồng. Nghĩa vụ hợp đồng phát sinh trên cơ sở sự thống nhất ý chí của các đương sự hay hành vi pháp lý. Còn nghĩa vụ bồi thường phát sinh ngoài ý chí của đương sự, có nghĩa là do luật định.
2. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo quy định mới nhất
Tại Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh Bộ Luật dân sự 2015:
1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
” Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Như vậy, khác với cầm cố thế chấp và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác, trong bảo lãnh sẽ có sự xuất hiện của một chủ thể thứ ba, tức là bên bảo lãnh. Bên bảo lãnh đứng ra cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; và các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Những trường hợp mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hay có thể là họ thực hiện không đúng nghĩa vụ, hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì có thể giải quyết theo hướng đó là bên bảo lãnh phải thực hiện thay nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh, nghĩa vụ phải thực hiện thay có thể là nghĩa vụ trả tiền hoặc nghĩa vụ làm một công việc mà các bên đã thỏa thuận.
Nếu bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh, thì bên bảo lãnh phải thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại. Đối với nghĩa vụ trả tiền mà bên bảo lãnh chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên nhận bảo lãnh thì phải trả lãi trên số tiền chậm phải trả theo quy định của pháp luật.
Kết luận: pháp luật đề ra quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh cho thấy bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Việc không thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bên nhận bảo lãnh chứng minh được có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên bảo lãnh.
3. Giải quyết tình huống
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty cổ phần A vay 2 tỉ VNĐ tại ngân hàng thương mại B nhưng bị ngân hàng B từ chối vì công ty không có tài sản cầm cố, thế chấp đảm bảo trả nợ cho khoản vay tại ngân hàng. Sau đó công ty A được ngân hàng thương mại C bảo lãnh cho công ty A vay vốn tại ngân hàng B. Khi đến hạn thanh toán do chưa thu được tiền hàng đã bán nên công ty A đã không trả nợ cho ngân hàng B. Ngân hàng B yêu cầu Ngân hàng C trả nợ thay công ty A. Ngân hàng C từ chối việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ với lí do công ty A vẫn có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ nhưng do ỷ lại vào người bảo lãnh nên đã không thực hiện nghĩa vụ của mình. Hỏi trong trường hợp này, ngân hàng B có quyền khởi kiện người bảo lãnh không? Việc từ chối việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trên của người bảo lãnh là đúng hay sai?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của pháp luật, bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
+ Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh như sau:
– Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
– Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Căn cứ vào các quy định trên thì công ty A đã thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng B do chậm thanh toán cho ngân hàng B do đó Ngân hàng B có quyền yêu cầu ngân hàng C thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên không có thỏa thuận ngân hàng C chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho công ty A khi công ty A không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Trong trường hợp này, ngân hàng B có quyền khởi kiện ngân hàng C. Việc ngân hàng C từ chối việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trên của người bảo lãnh là không đúng quy định pháp luật trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo quy định mới nhất và các thông tin pháp lý dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.