Trong quá trình thực hiện công việc tại công trình, nếu không may có tai nạn xảy ra, thì chủ thầu xây dựng có phải chịu trách nhiệm đối với người lao động của mình hay không? Bài viết này, sẽ khái quát về vấn đề trách nhiệm của chủ thầu đối với người lao động đến quý bạn đọc.
Mục lục bài viết
1. Tai nạn lao động là gì?
Tai nạn lao động là sự cố không ai muốn gặp phải. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta vẫn thường hay bắt gặp được một số vụ tai nạn ở công trường khiến người lao động gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Vậy tai nạn lao động được hiểu như thế nào?
Định nghĩa tai nạn lao động được truyền miệng như một khái niệm có sẵn, nhưng dựa vào quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 định nghĩa tai nạn lao động như sau:
Tai nạn lao động là tai nạn làm tổn thương đến bộ phận, chức năng của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, được xảy ra gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong quá trình lao động. Như vậy, tai nạn lao động có thể được xem là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc , từ nơi làm việc về nơi ở; Và gây tổn thương đến cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động.
2. Trách nhiệm của chủ thầu xây dựng khi công nhân bị tai nạn lao động?
Đối với quy định trách nhiệm của nhà thầu trong đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn trong thi công xây dựng được quy định tại Luật xây dựng năm 2014 và các văn bản pháp lý liên quan, cụ thể như sau:
– Đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tốt nhất cho công trình đang xây dựng, người, thiết bị, tài sản, máy, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng;
– Theo quy định tại điều 36
– Kiểm tra công tác để quản lý an toàn trong quá trình thi công xây dựng công trình;
– Phối hợp, tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc mang tính chất đặc thù, có nguy cơ không đảm bảo an toàn lao động được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình;
– Tạm dừng thi công công trình xây dựng khi phát hiện có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, hoặc sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công công trình;
– Đảm bảo nguyên tắc khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố dẫn đến mất an toàn lao động xảy ra trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình;
– Báo cáo chủ đầu tư theo kế hoạch thường niên hoặc đột xuất về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng và các nội dung khác
2.1. Mức độ lỗi của công nhân dẫn đến tai nạn lao động:
Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 38 Luật An Toàn, Vệ Sinh Lao Động năm 2015 được hướng dẫn thi hành tại Điều 3, Điều 4 Thông tư Số: 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Mức độ bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà lỗi không hoàn toàn do chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu người đó bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% thì được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động đó bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của bản thân họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
2.2. Mức độ lỗi của chủ thầu dẫn đến tai nạn lao động:
Dựa trên quy định tại Điều 39 Luật An Toàn, Vệ Sinh Lao Động năm 2015 quy định:
Nếu người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc dưới sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.
Nếu người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động dựa vào quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.
3. Công nhân bị tai nạn lao động không được hưởng chế độ trong trường hợp nào?
Bên cạnh những trường hợp được hưởng chế độ khi bị tai nạn xảy ra, thì vẫn có những trường hợp chủ thầu xây dựng không cần phải chi trả những khoản tiền người bị tai nạn lao động đang gặp phải.
Tại khoản 1 Điều 40 Luật An Toàn, Vệ Sinh Lao Động năm 2015, người lao động bị tai nạn lao sẽ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động trong các trường hợp:
– Tai nạn lao động xảy ra do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Tai nạn lao động xảy ra do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
– Tai nạn lao động xảy ra do người lao động sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác.
4. Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình như thế nào?
Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình được liên kết định vị với đất, gồm phần trên mặt đất, phần dưới mặt đất và phần dưới mặt nước với phần trên mặt nước. Những chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng sẽ bao gồm: chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, người lao động trên công trường xây dựng và bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình; .
Để thực hiện an toàn trong thi công công trình xây dựng hiện nay, Nghị định 06/2021/NĐ-CP đã ban hành quy định để hướng dẫn người lao động giảm thiểu được rủi ro trong quá trình lao động. Cụ thể tại Khoản 20 của điều 2 quy định về hướng dẫn quản lý chất lượng thi công và bảo trì công trình xây dựng. Để đảm bảo quá trình lao động được suôn sẻ, tránh những thiệt hại đáng có như những tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại nhằm bảo vệ người lao động không xảy ra thương tích, tử vong và không làm suy giảm của người lao động;
Việc quản lý an toàn lao động trong khi thi công xây dựng công trình là một trong các nội dung hết sức quan trọng và thật sự cần thiết trong việc quản lý thi công xây dựng công trình. Đối với nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tốt nhất cho người lao động, cho công trình xây dựng và các tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình. Bên cạnh đó, phải tuân thủ phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải thực hiện tổ chức giám sát tốt các quy định về an toàn của nhà thầu trong quá trình thi công xây dựng; tạm dừng thi công khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn hoặc có sự cố gây mất an toàn công trình. Bên cạnh đó, phải phối hợp với các nhà thầu để xử lý, khắc phục khi xảy ra các sự cố hoặc tai nạn lao động; cũng phải thông báo kịp thời với bên phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi công trình xảy ra sự cố hay thậm chí là tai nạn lao động gây chết người.
Trong quá trình thi công xây dựng thì nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm xác định được các vùng nguy hiểm trong quá trình thi công xây dựng công trình nhằm tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, cho công trình xây dựng, cho tài sản, thiết bị và phương tiện trong vùng nguy hiểm của thi công xây dựng công trình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
– Luật Xây dựng năm 2014;
– Nghị định 39/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn để thực hiện thành lập tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động;
– Thông tư Số: 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động;
– Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.