Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hai bên cùng có lỗi. Khi gây thiệt hai cả hai bên cùng có lỗi thì trách nhiệm bồi thường áp dụng như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư và toàn thể mọi người. Tôi muốn nhờ luật sư giải đáp giúp ạ. Tôi có điều khiển một xe ô- tô loại 4 chỗ lưu thông trên đường. Khi đi đến ngã tư bùng binh có làn rẽ phải dành riêng để rẽ phải. Khi tôi đã rẽ và vẫn đang ở trên làn đường của xe máy và đang chuẩn bị để chuyển làn sang làn ô- tô thì có va chạm với một xe máy đi xuôi từ hướng đường từ hướng đường tôi rẽ vào, đầu xe của xe máy đâm vào mép đầu xe của tôi. Công an kết luận do ca 2 bên cùng có lỗi nhưng chủ yếu do tôi vì tôi ở đường không được ưu tiên. Sau đó tôi đã có đưa chủ phương tiện xe máy vào bệnh viện chụp city kết luận chỉ bị chóang nhẹ chân tay sứt sát nhẹ nhàng, duy chỉ có vỡ xương chậu do ngã dập mông xuống đường. Tôi muốn hỏi là như vậy thì tính tỷ lệ thương tật cua người ta sẽ như thế nào ạ và nếu đưa ra pháp luật thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào ạ?Tôi xin chân thành cảm ơn ạ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– “Bộ luật hình sự 2015” sửa đổi bổ sung 2009;
– Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP;
– Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP;
– Thông tư liên tịch 28/2013/ TTLT-BYT-BLĐTBXH.
2. Luật sư tư vấn:
– Về Xác định tỷ lệ thương tật
Vì bạn không nêu chính xác được những thương tích của người bị thương, cũng như các kết quả xét nghiệm nên chúng tôi không thể xác định được chính xác tỷ lệ thương tật là bao nhiêu. Vì thế, bạn có thể dựa vào căn cứ theo Bảng 1 Thông tư liên tịch 28/2013/ TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh tật và bệnh nghề nghiệp kết luận xác định thương tích của cơ sở khám chữa bệnh nơi đưa bệnh nhân vào chữa bệnh để biết được tỷ lệ thương tật chính xác nhất.
– Về xác định trách nhiệm của người điều khiển phương tiên giao thông khi tham gia giao thông gây tai nạn
Do bạn trình bày nguyên nhân gây tai nạn giao thông là do lỗi của cả 2 bên do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông nên cần xác định mức độ lỗi, thiệt hại để xác định trách nhiệm của từng người là trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra tai nạn.
Thứ nhất: Trách nhiệm hành chính
Trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nếu hành vi gây tai nạn chưa dẫn đến hậu quả gây chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị tai nạn.
Thứ hai: Trách nhiệm hình sự
Nếu hậu quả vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị tai nạn thì người vi phạm có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 “Bộ luật hình sự 2015” sửa đổi bổ sung 2009:
“Điều 202.Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Theo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP quy định:
4. Về các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự như sau:
4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
Bạn cần căn cứ vào điều trên để xác định trường hợp của bạn thuộc một trong hai trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.
>>> Luật sư
Thứ ba: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra
Ngoài trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự mà người gây tai nạn phải chịu thì người điều khiển phương tiên giao thông gây tai nạn mà gây thiệt hại về thân thể cho người khác thì còn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Vì xác định hành vi vi phạm do cả 2 bên đều có lỗi nên căn cứ vào Điều 616 Bộ luật dân sự quy định để xác định mức độ lỗi của từng người để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng.
“Điều 616. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
…”
Nếu người bị thiệt hại cũng có lỗi trong vụ tai nạn thì người gây tai nạn là bạn chỉ bồi thường tương ứng với mức độ lỗi mình gây ra, còn thiệt hại do người bị thiệt hai gây ra thì không phải bồi thường theo Điều 617 “Bộ luật dân sự 2015”:
“Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
Theo đó, mức bồi thường được xác định tại Điều 609 Bộ luật dân sự và được hướng dẫn cụ thể tại Mục II.1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP
“Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Mục II.1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn chi tiết:
“Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế …
1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm.
a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.
b) Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.”
Như vậy, 2 bên gia đình trong vụ tai nạn giao thông của bạn cần thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại và những chi phí hợp lý để khắc phục hậu quả.