Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chung cư bị cháy vì chập điện. Chung cư bị cháy vì chập điện trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chung cư bị cháy vì chập điện. Chung cư bị cháy vì chập điện trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Thiệt hại do chung cư bị cháy vì chập điện thì xử lý thế nào?
Trường hợp do chập điện hoặc một thiết bị nào đó của tòa nhà hư hỏng dẫn đến cháy nổ thì trường hợp này lỗi hoàn toàn thuộc chủ đầu tư.
Lỗi của chủ đầu tư bị xem xét ở những khía cạnh sau: thi công, lắp đặt thiết bị không đúng tiêu chuẩn thiết kế ban đầu của tòa nhà; trang thiết bị không đạt yêu cầu chất lượng ( sử dụng thiết bị kém chất lượng hoặc thậm chí là sử dụng hàng nhái, hàng giả) hoặc không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nên không đủ tiêu chuẩn vận hành; hệ thống báo cháy và chữa cháy không hoạt động hoặc hoạt động không như thiết kế, yêu cầu của phòng cháy chữa cháy; xử lý sự cố không đúng quy trình, quy phạm về phòng cháy chữa cháy theo điều lệnh của cơ quan có thẩm quyền quy định. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chủ đầu tư không chấp hành các quy định, quyết định của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy như nâng cấp thiêt bị, điều chỉnh thiết kế…
Nếu xảy ra những trường hợp trên, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản đã gây ra.
Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2005 về Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
– Tài sản bị mất;
– Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị xâm phạm trong các trường hợp trên.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho những cư dân bị thiệt hại (bị bỏng, ngạt khí…) nếu họ có yêu cầu.
Bồi thường thiệt hại phải tuân thủ theo nguyên tắc được quy định tại Điều 605, Bộ Luật dân sự 2005 về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại và được hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
1, Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2, Người gây thiệt hại chỉ được giảm mức bồi thường nếu có đủ 2 điều kiện:
– Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
– Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.
3, Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…
4, Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được mức và phương thức bồi thường thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự về bồi thường thiệt hại đối với chủ đầu tư. Tại tòa, các bên vẫn có cơ hội để thương lượng. Nếu việc thương lượng không thành, tòa án sẽ buộc chủ đầu tư bồi thường cho nguyên đơn theo mức đã được hội đồng định giá quyết định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:
– Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ Luật Dân sự 2005 quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.
– Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.
Ngoài ra, trong trường hợp có xâm phạm sức khỏe đến cư dân sinh sống trong chung cư mà các bên không thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại thì việc bồi thường phải tuân theo quy định tại Điều 609, Bộ Luật Dân sự 2005 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.