Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chở người ngồi trên xe gặp tai nạn. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chở người ngồi trên xe gặp tai nạn. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Ba tôi đi bộ và được hai thanh niên trong làng mời lên xe máy chở đi, khi đi được một đoạn thì rẽ sang bên trái vào ngõ hẻm lúc này có chiếc xe chở bò đi theo sau và cũng rẽ sang trái và chiếc xe chở bò đã va vào tay lái của xe máy rồi tai nạn đã xảy ra, ba tôi bị va đầu vào đường bê tông và không nhớ gì, rồi được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu và chuyển đến bệnh viện trung ương kiểm tra và điều trị, theo kết luận của Bác sĩ thì ba tôi bị tụ máu ngoài màng não, vậy Luật sư cho tôi hỏi như trường hợp trên ai là người sai và ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật giao thông đường bộ năm 2008
– Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP
2. Giải quyết vấn đề:
– Trong trường hợp người tham gia giao thông xảy ra va chạm dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì vấn đề xác định lỗi thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền thể hiện qua biên bản kết luận hiện trường va chạm giao thông. Cụ thể trong trường hợp này, khi xảy ra tai nạn, người bị thiệt hại hoặc gia đình người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan công an có thẩm quyền xác định thiệt hại, xác định lỗi.
– Vì vậy về phía người điều khiển xe chở bò trong trường hợp này có lỗi hay không thì phải do cơ quan công an có thẩm quyền giám định và kết luận. Về phía bố bạn được hai thanh niên mời lên xe chở đi thì yếu tố lỗi trước hết thuộc về người điều khiển phương tiện với hành vi chờ 3 người trên xe là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
– Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Luật giao thông đường bộ năm 2008 về người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
"Điều 30. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy
1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi."
– Như vậy, đối với người điều khiển xe gắn máy chở hai người trên xe là vi phạm Khoản 1 Điều 30 Luật giao thông đường bộ năm 2008 nêu trên. Do đó, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại cho bố bạn thì người điều khiển xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Căn cứ Khoản 1 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
"1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS), về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.
b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.
Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó."
Như vậy, trong trường hợp của bố bạn, phát sinh đầy đủ các yếu tố bao gồm:
+ Có thiệt hại xảy ra cho bố bạn đó là thiệt hại về sức khỏe, cụ thể là kết luận của bác sĩ cho thấy bố bạn bị tụ máu ngoài màng não.
+ Có hành vi trái pháp luật của người điều khiển xe máy chở hai người gây tai nạn.
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật, hành vi của người điều khiển phương tiện là trái quy định của pháp luật về giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả xảy ra tai nạn, gây thiệt hại về sức khỏe cho bố bạn.
+ Có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Người gây thiệt hại cố ý thực hiện hành vi chở hai người trên xe gắn máy thông qua hành vi mời bố bạn lên xe để chở đi. Người gây thiệt hại không cố ý gây ra tai nạn tuy nhiên vô ý bị va chạm dẫn đến hậu quả thiệt hại về sức khỏe cho bố bạn.
Như vậy, trong trường hợp này có đủ căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng đối bố bạn.
>>> Luật sư tư vấn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tài xế: 1900.6568
– Cụ thể, trong trường hợp của bố bạn, mức thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:
"Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."
Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu người điều khiển phương tiện bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Nếu bên điều khiển xe bò cũng có lỗi thì sẽ phải bồi thường tương ứng mức lỗi của mình theo quy định tại Điều 616 Bộ luật dân sự 2005.