Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có lỗi vi phạm lưu ý như sau.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người có lỗi vi phạm được hiểu là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà khi người nào đó có hành vi vi phạm nghĩa vụ ngoài hợp đồng do pháp luật quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thiệt hại do mình gây ra. Bao gồm:
1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 608 “Bộ luật dân sự 2015”)
Điều 608 BLDS quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường bao gồm tài sản
“Bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”.
Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm phục hồi tình trạng tài sản ban đầu của người bị thiệt hại và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài sản trong thời gian từ khi xảy ra thiệt hại đến khi bồi thường.
Thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định bao gồm các khoản sau:
– Thiệt hại trực tiếp bao gồm:
+ Thiệt hại do tài sản bị mất (có tính đến tình trạng tài sản, thời giá thị trường tại thời điểm tài sản bị mất);
+ Tài sản bị hủy hoại là những tài sản không thể phục hồi chức năng ban đầu: tài sản bị hư hỏng là những chi phí hợp lý, cần thiết để phục hồi tài sản, đảm bảo tính năng sử dụng ban đầu như trước khi bị thiệt hại;
+ Những chi phí phải bỏ ra bao gồm chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc khắc phục thiệt hại.
– Thiệt hại gián tiếp bao gồm:
+ Lợi ích gắn liền với việc khai thác tài sản (không thể khai thác tài sản trong suốt thời gian sửa chữa, khắc phục thiệt hại);
+ Những hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được nếu không có thiệt hại xảy ra và những chi phí cần thiết để hạn chế thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng các cách sau: bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Về nguyên tắc chung các bên có thể thỏa thuận cách thức, mức bồi thường như: sửa chữa hư hỏng, thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật thì giá trị tài sản tương đương để bồi thường. Khi trị giá tài sản phải căn cứ vào thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng.
2. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 609 “Bộ luật dân sự 2015”)
Thiệt hại về sức khỏe chính là những giảm sút, tổn thất về mặt thể chất của nạn nhân. Căn cứ theo quy định tại Điều 609 thì:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Như chúng ta đã biết thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 609 BLDS, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm những chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm suốt của người bị thiệt hại. Theo quy định tại mục II, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của “Bộ luật dân sự năm 2015” về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm mà người bị gây thiệt hại được bồi thường là những chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của nạn nhân, theo đó được chi tiết hóa gồm các khoản tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại dến bệnh viện, tiền thuốc và các khoản chi phí cho các dịch vụ chiếu, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, truyền máu theo yêu cầu của bác sĩ điều trị.
3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 610 “Bộ luật dân sự 2015”)
Tính mạng là thứ quý giá nhất của mỗi con người. Khi tính mạng của một người bị xâm phạm sẽ để lại mất mát rất lớn đối với chính họ và những người thân của họ nên khó có thể định giá được thành tiền để bồi thường. Thế nhưng, việc bồi thường bằng tiền cũng là một biện pháp để khắc phục hậu quả và bù đắp những tổn thất về vật chất cũng như tinh thần cho người bị thiệt hại và gia đình họ.
Về mặt dân sự, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và những tổn thất về tinh thần và vật chất phát sinh từ những hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm để quyết định mức bồi thường là không đơn giản.
Theo quy định tại Điều 610 BLDS thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
● Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
● Chi phí hợp lý cho viêc mai táng;
● Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
● Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại …
4. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 611 BLDS)
Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân không thể xác định. Thực chất là xác định những tổn thất về vật chất, tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân xâm phạm nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị xâm phạm.
Những chi phí đó bao gồm:
– Những chi phí phải bỏ ra và thu nhập bị mất (thu thập chứng cứ, thời gian phải bỏ ra để khiếu nại, đăng báo cải chính,…);
– Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường một khoản tiền đẻ bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bồi thường thiệt hại khi người có lỗi vi phạm trong một số trường hợp cụ thể:
– Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 613 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 613. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật, từ đó pháp luật suy đoán rằng người phòng vệ chính đáng (người thực hiện hành vi chống trả) không có lỗi. Nếu hành vi được coi là phòng vệ chính đáng thì người gây thiệt hại không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Để xác định một hành vi có là phòng vệ chính đáng hay không cần xem xét các yếu tố như: hành vi trái pháp luật của người khác là cơ sở để chống trả lại, hành vi trái pháp luật đó phải gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại, hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm.
Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở đây được hiểu là khi người khác gây thiệt hại, người phòng vệ chính đáng đã có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại nhưng đã có sai lầm trong việc đánh giá mức đọ của sự tấn công, điều kiện hoàn cảnh của hành vi tấn công và hành vi chống trả, do đó vướt quá giới hạn cần thiết nên đã gây thiệt hại cho người có hành vi gây thiệt ban đầu. Vì vậy, họ đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Việc này được coi là trái pháp luật và họ phải bồi thường. Lỗi của người vượt quá phòng vệ chính đáng được xác định ở phần vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
– Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điều 614 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 614. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
1. Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
3. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích cảu Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn cần ngăn ngừa.
Chỉ coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và người gây thiệt hại không phải bồi thường khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Thứ nhất, có một nguy cơ đang thực tế đe dọa cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Thứ hai, nguy cơ phải có thực, tức lầ phải đang bắt đầu, đang diễn ra và chưa kết thức. Nếu nguy cơ không có thực, đã xảy ra rồi thì không thể tồn tại tình thế cấp thiết.
+ Thứ ba, nguy cơ đang đe dọa đến lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ, đều đó có nghĩa là những lợi ích này phải hợp pháp.
+ Thứ tư, việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại có nguy cơ xảy ra.
+ Thứ năm, thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải là thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Người gây thiệt hại của tình thế cấp thiết đã có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ gây thiệt hại của “nguy cơ đe dọa” nên họ đã gây thiệt hại vượt quá so với yêu cầu của tính thế cấp thiết. Lỗi của người gây thiệt hại được xác định là lỗi đối với phần vượt quá nên họ chỉ phải bồi thường thiệt hại đối với vượt quá mà thôi.
– Bồi thường thiệt hại do dùng chất kích thích gây ra (Điều 615 “Bộ luật dân sự năm 2015”)
Nếu người gây thiệt hại do dùng chất kích thích tự đặt mình vào tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi. Bởi vì, trước khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, người gây thiệt hại hoàn toàn có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình nhưng họ lại tự đặt mình vào tình trạng không nhận thức làm chủ hành vi và gây thiệt hại, do đó phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Nếu người gây thiệt do dùng chất kích thích nhưng bản thân hị không tự kiểm soát được việc dùng chất kích thích – tức là có một người thứ ba cố ý dùng chất kích thích để người này gây thiệt hại, thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 615 “Bộ luật dân sự 2015”:
“ Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Theo quy định này, khi một người cố ý dùng chất kích thích (như đổ rượu, bia vào miệng, cưỡng bức tiêm vào người khác chất kích thích) làm cho nguời này không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình gây thiệt hại thì người có hành vi cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, không cần xem xét đến mục đích của việc cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác nhằm để người kia gây thiệt hại.
– Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra (Điều 616 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
Theo quy định trên thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nhiều người cùng gây thiệt hại là trách nhiệm liên đới bồi thường của những người cùng gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Trách nhiệm liên đới bồi thường khi nhiều người cùng gây thiệt hại phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện: có hành vi gây thiệt hại của nhiều người và có sự thống nhất với nhau, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của những người cùng gây thiệt hại và thiệt xảy ra, có lỗi của những người gây thiệt hại.
Cơ sở để xác định trách nhiệm liên đới là có hành vi cùng gây thiệt hại của những người gây thiệt hại. Còn cơ sở để xác định mức bồi thường của mỗi người người gây thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì những người có trách nhiệm phải bồi thường theo phần bằng nhau.
– Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi (Điều 617 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
Nguyên tắc chung: khi một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì họ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Tuy vậy, có những thiệt hại xảy ra không chỉ do lỗi của người gây thiệt hại mà còn do lỗi của người bị thiệt hại.
Theo quy định này, thiệt hại xảy ra do lỗi của người gây thiệt hại bao nhiêu thì họ phải bồi thường bấy nhiêu căn cứ vào việc xác định lỗi của họ. Nếu thiệt hại haonf toàn do lỗi cua người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không bồi thường. Quy định này nhằm giải thoát khỏi trách nhiệm cho người gây thiệt hại khi thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.
– Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường (Điều 624 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.”
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi gây ô nhiễm môi trường phát sinh trong cả trường hợp người đó có lỗi hoặc không có lỗi. Như vậy yếu tố lỗi không phải là yếu tố quyết định đến việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Mà được xác định dựa trên mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra, do thiệt hại của hành vi gây ô nhiễm môi trường có nhiều đặc trưng, không giống như cách xác định thiệt hại như những hành vi thiệt hại khác ở nhiều yếu tố.
– Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 628 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 628. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể
1. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người xâm phạm thi thể phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân do lỗi cố ý hoặc vô ý mà xâm phạm đến thi thể của người khác. Hành vi xâm phạm thi thể được xác theo mục đích thực hiện hoặc hậu quả do hành vi xâm phạm thi thể gây ra. Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân hoặc nhiều cá nhân do cố ý xâm phạm đến tính toàn vẹn của cơ thể, đã dẫn đến hậu quả thi thể của cá nhân bị biến dạng, thiếu hụt các bộ phận tự nhiên của con người.
Người có hành vi xâm phạm thi thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc này được xác định theo nguyên tắc bồi thường thiệt ngoài hợp đồng, người có hành vi gây thiệt hại dù có lỗi cố ý hay vô ý đều phải bồi thường thiệt hại.
– Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 629 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 629. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.”
Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác , hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, theo nghi lễ, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi trái pháp luật, cho dù hành vi đó không gây ra bất kì thiệt hại nào về tài sản, nhưng nếu hành vi đó được xác định là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết, đều bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả. Việc xác định đó là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm hay không bị coi là xâm phạm mồ mả của cá nhân.
Người xâm phạm mồ mả cho dù có lỗi cố ý hay vô ý đều phải chịu trách nhiệm dân sự. Những thiệt hại về mồ mả cho dù xuất phát từ hành vi vô ý (đào nhầm mồ mả do xác định sai vị trí,..) hay cố ý thì cũng đều gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản và nhân thân hoặc gây tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó. Do đó, người xâm phạm mồ mả luôn phải chịu trách nhiệm dân sự trước những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm, đồng thời còn phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do mình gây ra.
– Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (Điều 630 “Bộ luật dân sự 2015”)
“Điều 630. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng
Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.”
Trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ làm phát sinh một quan hệ nghĩa vụ giữa nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tùy vào mức độ lỗi, tính nguy hiểm của việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến các quyền lợi, lợi ích được pháp luật bảo vệ. Còn ở khía cạnh luật dân sự thì do thực hiện các hành vi đó mà các nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã gây phương hại đến người tiêu dùng thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.