Trong khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức nếu vi phạm mà gây thiệt hại cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm tùy vào từng trường hợp cụ thể. Vậy trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của cán bộ công chức được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của cán bộ công chức:
Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì nếu cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án gây ra sẽ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định.
Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Như vậy, cán bộ, công chức chính là người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
Theo đó trách nhiệm bồi thường của nhà nước được quy định như sau:
– Nếu người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại gây ra.
– Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì khi cán bộ công chức gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ có trách nhiệm đứng ra bồi thường cho người bị thiệt hại, sau đó người thi hành công vụ gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm hoàn trả theo quy định.
Căn cứ quy định tại các Điều 64, 70, 71, 72 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì nghĩa vụ hoàn trả của cán bộ, công chức khi gây ra thiệt hại được quy định cụ thể như sau:
– Cán bộ, công chức có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Trường hợp có nhiều cán bộ, công chức cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
– Trong trường hợp cán bộ công chức chuyển sang cơ quan, tổ chức khác:
+ Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho cán bộ công chức gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả.
+ Cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho cán bộ công chức gây thiệt hại thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả.
– Trong trường hợp cán bộ, công chức gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc:
+ Cơ quan Bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho cán bộ công chức gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
+ Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ công chức gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp cán bộ, công chức gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết.
2. Mức hoàn trả của cán bộ công chức:
Căn cứ Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì mức hoàn trả tiền bồi thường do cán bộ công chức gây thiệt hại được xác định dựa vào mức độ lỗi của cán bộ công chức trong việc gây ra thiệt hại và căn cứ vào số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Nếu có một cán bộ công chức gây thiệt hại thì mức hoàn trả được xác định như sau:
+ Đối với cán bộ, công chức có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
+ Đối với cán bộ công chức có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng mức hoàn trả không vượt quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
+ Đối với cán bộ công chức có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng mức hoàn trả không vượt quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
+ Nếu trong trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương hoặc thấp hơn 03 tháng lương theo những trường hợp nêu trên thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
– Nếu có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định nêu trên tuy nhiên tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Cán bộ công chức được giảm mức hoàn trả khi có đủ các điều kiện đó là: đã chủ động khắc phục hậu quả, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và đã hoàn trả được ít nhất 50% số tiền phải hoàn trả; người thi hành công vụ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và mức giảm hoàn trả tối đa là 30% trên tổng số tiền phải hoàn trả.
3. Thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả:
Căn cứ Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả được quy định cụ thể như sau:
– Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường.
+ Nếu cán bộ công chức gây thiệt hại thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại thì đại diện các cơ quan liên quan đến việc gây thiệt hại phải tham gia Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
– Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải hoàn thành việc xác định những cán bộ công chức gây thiệt hại, mức độ lỗi gây thiệt hại, trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của từng người và có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thành lập Hội đồng. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng tối đa là 30 ngày.
– Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả thì có trách nhiệm:
+ Ra quyết định hoàn trả đối với cán bộ công chức gây thiệt hại
+ Ra quyết định hoàn trả đối với cán bộ công chức gây thiệt hại do mình quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự và kiến nghị Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan ra quyết định hoàn trả.
+ Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ban hành quyết định hoàn trả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.
– Quyết định hoàn trả phải được gửi tới người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thu tiền hoàn trả.
– Cán bộ công chức gây thiệt hại có các quyền sau đây: Có quyền nhận văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình, có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật…
– Bên cạnh đó cán bộ công chức cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc này. Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ công chức…
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 25/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Cán bộ, công chức
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, số
Nghị định 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước