Trách nhiệm bồi thường dân sự khi phát tán hình ảnh, clip của người khác lên mạng internet mà không được sự cho phép của người đó?
Theo quy định tại Điều 31, “Bộ luật dân sự 2015” về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Theo quy định tại Điều 38, “Bộ luật dân sự 2015” về Quyền bí mật đời tư:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, cá nhân có quyền đối với hình ảnh, đời tư của mình. Việc sử dụng hình ảnh, clip của người khác mà không được sự đồng ý về hành vi sử dụng là vi phạm về quyền nhân thân của người đó. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được Pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh, clip của cá nhân phải được người đó đồng ý, nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh, clip của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Theo đó, Điều 611, Bộ luật này quy định về việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
>>> Luật sư
Điều 307, “Bộ luật dân sự 2015” cũng quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
Do đó, đối với hành vi phát tán hình ảnh, clip làm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người xâm phạm phải bồi thường thiệt hại bằng chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại mà người đó gánh chịu. Nếu ảnh hưởng đến thu nhập thực tế thì người xâm phạm cũng phải bồi thường. Ngoài ra, người xâm phạm phải bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm gánh chịu bằng một khoản tiền do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá mười tháng tiền lương tối thiếu do Nhà nước quy định. Ngoài ra, người xâm phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, phải xin lỗi, cải chính công khai đối với người bị xâm phạm.