Trách nhiệm và nội dung bảo vệ người tố cáo của các cơ quan, tổ chức. Bảo vệ người tố cáo theo quy định của Luật tố cáo 2011.
Bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo; khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Bảo vệ người tố cáo thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Điều 34 Luật tố cáo quy định về phạm vi, đối tượng và thời hạn bảo vệ như sau:
“1. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
2. Đối tượng bảo vệ gồm có:
a) Người tố cáo;
b) Người thân thích của người tố cáo.
3. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.”
Như vậy ngoài người tố cáo cần phải bảo vệ thì người thân thích của người tố cáo như: cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột, con… cũng phải được bảo vệ. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.
1. Người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình.
Thông qua việc tố cáo của người dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết được hành vi vi phạm và tiến hành xử lý đối với người có hành vi vi phạm đó. Điều này có thể dẫn đến việc người bị tố cáo có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Do đó, cơ quan nhà nước khi tiến hành giải quyết tố cáo thì cần phải đảm bảo giữ bí mật những thông tin cần thiết để bảo vệ cho người tố cáo, tạo cho họ sự yên tâm khi tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, Điều 4 Luật tố cáo đã quy định về nguyên tắc giải quyết tố cáo, trong đó có nguyên tắc phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo
Các thông tin về người tố cáo là những thông tin về nhân thân người tố cáo hoặc những thông tin để xác định nhân thân của họ như tên, tuổi, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ, bút tích và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo và với những thông tin đó, nếu bị tiết lộ sẽ dẫn đến người tố cáo sẽ bị trả thù, trù dập hoặc gây bất lợi cho người tố cáo.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm bảo đảm bí mật cho người tố cáo trong tất cả các khâu từ tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; xác minh, kết luận xử lý tố cáo, thậm chí, ngay cả khi công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.
Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm.
2.Người tố cáo được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức, không được trả thù, trù dập, đe doạ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
Trường hợp người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức: Người tố cáo có căn cứ cho rằng người có thẩm quyền quản lý, sử dụng có hành vi trù dập, phân biệt đối xử hoặc thuyên chuyển công tác dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu bằng văn bản người đã giải quyết tố cáo hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền quản lý, sử dụng mình có biện pháp xem xét, xử lý đối với người có hành vi đó. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bảo vệ, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm kiểm tra, xác minh. Thời hạn kiểm tra, xác minh là 05 ngày làm việc. Trường hợp có căn cứ cho rằng yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì chậm nhất là 05 ngày làm việc, người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ được quy định:
– Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo;
– Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo;
– Xử lý kịp thời người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo;
– Thuyên chuyển công tác của người được bảo vệ sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;
– Ra quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Trường hợp người tố cáo là người làm việc theo
Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu bảo vệ, người có thẩm quyền bảo vệ có trách nhiệm kiểm tra, xác minh. Thời hạn kiểm tra xác minh là 05 ngày làm việc. Trường hợp thấy yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì chậm nhất trong thời gian 03 ngày làm việc, người có thẩm quyền bảo vệ phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp để bảo vệ sau đây:
– Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí công tác, việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;
– Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Người tố cáo không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú.
Luật tố cáo quy định người tố cáo không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú và trách nhiệm này thuộc về Uỷ ban nhân dân các cấp trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi người tố cáo cho rằng bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ nơi cư trú thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo để người giải quyết tố cáo yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm, đồng thời xem xét, xử lý người có hành vi vi phạm. Khi nhận được yêu cầu của người giải quyết tố cáo về việc áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, quyết định áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để bảo vệ như sau:
– Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo;
– Khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm;
– Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo;
– Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
4. Người tố cáo được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Điều 39 Luật tố cáo quy định: Khi người giải quyết tố cáo nhận được thông tin người tố cáo bị đe doạ, trả thù, trù dập thì có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với
Trường hợp đề nghị của người tố cáo là chính đáng, có căn cứ thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ.
Việc quy định người tố cáo phải có văn bản yêu cầu bảo vệ áp dụng trong trường hợp họ có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc người thân thích của mình. Trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo, người tố cáo có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác nhưng sau đó phải thể hiện ngay bằng văn bản. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xác định các biện pháp bảo vệ phù hợp, bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.
Nghị định số 76/2012/NĐ-CP cũng quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe; bảo vệ tài sản; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Đối với việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo:
Trường hợp xác định hành vi xâm hại người được bảo vệ đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để áp dụng ngay các biện pháp: bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ an toàn cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết; tạm thời di chuyển người được bảo vệ đến nơi an toàn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Khi đã ngăn chặn được hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ, tùy theo từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an nơi người được bảo vệ cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng các biện pháp; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi xâm hại; trường hợp xác định việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ có nguy cơ tái diễn thì ra quyết định bảo vệ và xây dựng kế hoạch bảo vệ.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và khả năng xảy ra trên thực tế của hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ, cơ quan ra quyết định bảo vệ xem xét, áp dụng các biện pháp: bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tín mạng, sức khỏe; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ; hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời hạn nhất định; di chuyển và giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ; xử lý hành chính hoặc kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi tấn công, xâm hại hoặc đe dọa tấn công, xâm hại; áp dụng các biện pháp hành chính khác nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, xâm hại hoặc đe dọa tấn công xâm hại người được bảo vệ; thay đổi tung tích, lai lịch, đặc điểm nhân thân, nhân dạng của người được bảo vệ.
Đối với việc bảo vệ tài sản:
Trường hợp xác định hành vi xâm hại tài sản đang xảy ra hoặc có thể xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an nơi có tài sản hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ. Khi đã ngăn chặn được hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an nơi có tài sản hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp: yêu cầu người có hành vi xâm hại đến tài sản của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với việc bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân
Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có thẩm quyền bảo vệ áp dụng các biện pháp: Yêu cầu người có hành vi xâm hại chấm dứt hành vi vi phạm và buộc xin lỗi, cải chính công khai; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi vi phạm; đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khôi phục danh dự, uy tín, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người được bảo vệ bị xâm hại.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Tố cáo người khác quấy rối qua điện thoại
– Tố cáo hành vi anh rể nhắn tin đe dọa giết người
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hành chính trực tuyến miễn phí
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại