Việc ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự? Hoạt động trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự?
Thi hành án dân sự là hoạt động vô cùng quan trọng nhằm thực thi những bản án, quyết định dân sự. Nếu như trong bản án, quyết định dân sự có quy định về nghĩa vụ trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự thì các chủ thể có thẩm quyền phải tiến hành thi hành nghĩa vụ này. Vậy hoạt động trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong thi hành án dân sự được thực hiện như thế nào, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề này.
* Cơ sở pháp lý:
–
–
– Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
1. Việc ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự
Tại Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định như sau:
“2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.”
Như vậy, có thể thấy trả lại tiền, tài sản cho đương sự là hoạt động thi hành án chủ động trong thi hành án dân sự. Tức trong trường hợp này, sau khi nhận được Bản án, Quyết định do Tòa án chuyển giao thì cơ quan thi hành án dân sự tự mình ra quyết định thi hành án mà không cần phải chờ có đơn yêu cầu của đương sự. Việc quy định về những khoản của Bản án, Quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản cho đương sự thuộc diện cơ quan thi hành án chủ động thì hành bởi xuất phát từ quan niệm rằng, việc tạm giữ, thu giữ những tài liệu sản đó là do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trước đố với mục đích phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo thi hành án, nay theo quy định của pháp luật được tuyên trả cho chủ sở hữu hợp pháp thì nhà nước phải chủ động trả lại mà không đợi đương sự phải yêu cầu.
Để có căn cứ ra quyết định thi hành án thì cơ quan, tổ chức đã tuyên bản án, quyết định có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền được thực hiện căn cứ theo Điều 28 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
Cơ quan thi hành án dân sự ở đây có thể chính là Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự. Tại Khoản 1 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 cũng nêu rõ trách nhiệm ra quyết định thi hành án hay trong trường hợp này chính là Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự.”
Như vậy, thẩm quyền ra quyết định thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định Thi hành án đó. Đối với Quyết định trả lại tiền, tạm giữ cho đương sự thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự phải ra Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi cơ quan này nhận được bản án, quyết định.
Quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự phải thể hiện rõ nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, đó là phải ghi rõ họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ; phần nghĩa vụ tức phần tiền, tài sản được trả lại; thời hạn thi hành án. Và tại Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ- CP hướng dẫn về việc ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự, thì nếu trong một bán án có khoản chủ động về trả tiền, tài sản tạm giữ thì thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án đối với người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đó.
2. Hoạt động trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự
Sau khi quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ được ban hành thì sẽ được đem đi thi hành. Nếu trong bản án, quyết định xác định người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án mà không tiến hành trả lại tiền, tài sản đó cho người này.
Theo trình tự, thì sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên được phân công có trách nhiệm thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Địa điểm nhận tiền, tài sản có thể tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc nơi đang quản lý tiền, tài sản được trả lại đó. Người được trả lại tiền, tài sản có trách nhiệm đến nhận lại tiền, tài sản theo thông báo của Chấp hành viên.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người được trả lại tài sản không đến nhận lại tài sản theo quy định. Tính từ ngày được thông báo đến 15 ngày sau đó mà đương sự không đến nhận địa điểm được thông báo để nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền bị tạm giữ được trả lại đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo việc gửi tiền này đến cho đương sự.
Tại Khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự này cũng quy định tiếp về trường hợp người được trả lại tiền, tài sản không đến nhận lại tiền, tài sản như sau:
“Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.”
Như vậy, nếu hết thời hạn ba tháng đó, mà đương sự không đến nhận cũng như không thông báo về lý do chính đáng tại sao không đến nhận tiền, tái sản được trả lại đó, thì Chấp hành viên tiến hành hoạt động định giá kê biên tài sản và bán tài sản đã kê biên đó. Số tiền bán tài sản đó được gửi tiết kiệm, nếu sau 05 năm mà đương sự không nhận lại tiền tiết kiệm thì tiến hành sung quỹ nhà nước.
Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng áp dung hình thức kê biên và bán tài sản được. Đối với tài sản trả lại không bán được hoặc tài sản được trả lại bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản được trả lại đó theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
Nếu hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận lại giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.
Còn việc trả lại tiền, thì nếu tài sản trả lại là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng, có thể do bị cháy, rách, nát,… không còn sử dụng được do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình bảo quản mà đến khi trả lại đương sự từ chối nhận số tiền, ngoại tế được trả lại đó thì cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đề nghị Ngân hàng nhà nước đổi tiền mới có giá trị tương đương, sau khi nhận được tiền mới tương đương thì trả số tiền đó cho đương sự.
Trong trường hợp tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được mà không do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự khi tịch thu, bảo quản số tiền đó mà đương sự từ chối nhận thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành giao tiền, ngoại tệ bị hư hỏng đó cho Ngân hàng nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.