Nếu tôi vô ý làm chết người thì tôi phải bồi thường thiệt hại như thế nào, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố em làm nghề hút cát. Có một khách hàng muốn bơm cát để lấp ruộng trồng trọt đồng nghĩa với việc bố em phải bắc ống qua đê. Và khi bắc ống qua đê, bố em đã lấp một ít đất đá để bảo vệ đường ống. Vì muốn bơm tiếp vào hôm sau nên bố em chỉ san lấp bề mặt chứ không dọn đi. Vào chập tối khoảng từ 10 – 11h, anh A đi liên hoan về và đi qua đường đê nơi có đống đất lấp san đó. Em không biết do đi quá tốc độ hay vì lí do gì mà anh A sượt ngã cách đó tầm 35m và chết khi tới bệnh viện. Khi tới bệnh viện kiểm tra thì thấy anh A có nồng độ cồn trong người và khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Gia đình người bị hại đòi nhà em bồi thường 30 triệu đồng. Luật sư cho em hỏi gia đình em phải có trách nhiệm bồi thường như thế nào? Bố em có thể được giảm nhẹ tội. Rất mong sự hồi đáp sớm của các Luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trong trường hợp của bạn, việc xác định lỗi thuộc về bên nào là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi từ đó có thể xác định được ai phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo như các căn cứ bạn đã nêu, thì bên bị thiệt hại (anh A) và bên gây thiệt hại (bố của bạn) đều có lỗi. Lỗi của anh A trong trường hợp này đó là anh A đã không tuân thủ theo đúng các quy định của luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường: trong người anh A được xác định có dấu hiệu của việc sử dụng các chất kích thích (có nồng độ cồn), tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Về phía bố của bạn, do bố bạn không dọn phần đất đá bảo vệ đường ống nên đã cản trở giao thông khiến anh A bị ngã và chết trên đường đến bệnh viện. Từ đó có thể thấy, lỗi trong trường hợp này đều thuộc về hai bên người bị thiệt hại và người gây thiệt hại, trong đó lỗi của bố bạn là lỗi vô ý. Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi được xác định như sau:
“Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
>>> Luật sư
Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định về vấn đề xác định thiệt hại đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác như sau:
“Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Mặc dù lỗi của bố bạn là lỗi vô ý nhưng Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 vẫn quy định đến vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vô ý làm chết một người tại khoản 1 Điều 98, theo đó:
“Điều 98. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
…”
Như vậy, ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 tương ứng với phần lỗi của bố bạn thì bố bạn còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009, với mức án thấp nhất là 6 tháng tù giam và mức phạt cao nhất là 5 năm tù giam. Tuy nhiên, bố bạn vẫn được xem xét một số tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 để giảm mức hình phạt.