Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là gì? Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân?
Quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền cơ bản của công dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với nhà nước. Mọi hoạt động xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng các cấu thành tội phạm tại Điều 160
Mục lục bài viết
- 1 1. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là gì?
- 2 2. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là gì?
- 3 3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân?
1. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là gì?
Điều 27: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Điều 29: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có nặng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.
2. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là gì?
Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân trong Tiếng anh là: “Infringement upon citizens’ right to vote or self-nominate, or vote upon referendum”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân?
Điều 160 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dần đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân có khách thể chung là quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Đối tượng tác động là quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết. Trong đó:
Quyền bầu cử là quyền hiến định- quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm quyền đề cử và quyền bỏ phiếu. Đây là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc thành lập ra những cơ quan quan trọng nhất của mỗi quốc gia.
Những trường hợp không có quyền bầu cử- Theo Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015: (i) Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của
Quyền ứng cử là quyền hiến định, là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thể hiện nguyện vọng của bản thân về việc ứng cử vào Đại biểu quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân.
Trường hợp không được ứng cử vào Đại biểu quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân:
– Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
– Người đang bị khởi tố bị can.
– Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
– Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
– Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân: Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật trưng cầu ý dân. Nói như vậy có nghĩa là, quyền biểu quyết gắn liền với hoạt động trưng cầu ý dân.
Trường hợp không được biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân: (i) Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. (ii) Người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là: lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân. Trong đó:
Lừa gạt là thủ đoạn thực hiện hành vi gian dối, đưa ra các thông tin sai sự thật hoàn toàn hoặc một phần làm cho công dân không hiểu hoặc hiểu lầm mà không thực hiện quyền của mình.
Mua chuộc là thủ đoạn thực hiện hành vi bằng cách dùng lợi ích vật chất (tiền, tài sản..), lợi ích phi vật chất để lôi kéo người khác làm theo ý của mình (không bầu cử cho người này hay không ứng cử vào ví trí này,..)
Cưỡng ép là thủ đoạn thực hiện hành vi dùng quyền, sức lực, vũ lực, de dọa dùng vũ lực tác động trái ý muốn của nạn nhân nhằm ngăn cản người đó thực hiện quyền.
Dùng thủ đoạn khác được hiểu là các thủ đoạn khác với ba thủ đoạn nêu trên.
Hậu quả là quyền bầu cử, ứng cử và biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân của công dân bị xâm phạm. Tội phạm hoàn thành khi chủ thể thực hiện hành vi, không căn cứ vào hậu quả.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc.Nhưng mục đích chủ yếu là mong muốn cho công dân không thực hiện quyền bầu cử, ứng cử, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân.
3.4. Dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.
Người phạm tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là chủ thể bình thường, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định (người từ đủ 16 tuổi trở lên).
Pháp nhân thương mại không phải là chủ thể của tội phạm này.
3.5. Hình phạt áp dụng.
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức: Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là người có chức vụ đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng quyền hạn trong khi thực hiện công vụ để phạm tội.
+ Dần đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân: Là hậu quả buộc phải dời ngày bầu cử sang một ngày khác và phải bầu cử lại các vị trí hoặc dời việc trưng cầu ý dân sang một ngày khác.
– Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy mức hình phạt cao nhất mà người phạm tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là 02 năm tù, là loại tội phạm ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đó cũng không loại trừ trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.