Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam là gì? Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là gì? Cấu thành tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép? Về hình phạt của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép? Quy định pháp luật về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người nước ngoài?
Mỗi quốc gia đều có chủ quyền, biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ nhất định, để đảm bảo sự ổn định, trật tự an toàn của đất nước, thì mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, có rất nhiều những cá nhân có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài vẫn tìm những khe hở của pháp luật để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Để xử lý hành vi vi phạm đó, thì Bộ luật Hình sự năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.
1. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép là gì?
Tại Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 2 quy định như sau:
– Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
– Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Điều 33 của Luật này cũng quy định về điều kiện xuất cảnh đó chính là Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên; có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực ; không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 33 phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Về điều kiện nhập cảnh đó chính là công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 4 có quy định như sau: “Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.” Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
Như vậy, tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện, xâm hại đến các quan hệ trật tự quản lý hành chính được pháp luật hình sự bảo vệ.
2. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là gì?
Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tiếng Anh là “Offences against regulations of law on immigration; illegal stay in Viet Nam”.
3. Cấu thành của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Khách thể của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép:
Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt khách quan tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép:
+ Hành vi xuất, nhập cảnh trái phép là hành vi xuất, nhập cảnh mà không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thực thi. Trường hợp sử dụng giấy tờ giả để xuất, nhập cảnh sẽ cấu thành thêm tội độc lập là sử dụng giấy tờ giả.
+ Hành vi ở lại Việt Nam trái phép là khi xuất, nhập cảnh hợp pháp nhưng không rời Việt Nam theo thời hạn của giấy phép.
Tội phạm hoàn thành khi chủ thể đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
* Mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Điều 10 của Bộ luật Hình sự quy định về lỗi cố ý phạm tội như sau:
“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”
Như vậy, người thực hiện hành vi phạm tội biết rằng hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi này được thực hiện với mục đích “chống chính quyền nhân dân ” sẽ bị truy cứu theo Điều 109 Bộ luật hình sự.
* Chủ thể của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Tội phạm này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc không quốc tịch có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
Theo đó, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài. quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam. Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.
4. Về hình phạt của tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép
Như tại điều luật quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, hình phạt của tội phạm này đó chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Quy định pháp luật về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam đối với người nước ngoài
Tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014 quy định những nội dung sau:
Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Xuất cảnh là việc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam. (Điều 3)
Về điều kiện nhập cảnh (Điều 20, Điều 21)
Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực: Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;
– Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh: đó chính là không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này; trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng. giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; vì lý do phòng, chống dịch bệnh; vì lý do thiên tai; vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Điều kiện xuất cảnh (Điều 27, Điều 28)
Người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
– Chứng nhận tạm trú hoặc thẻ tạm trú, thẻ thường trú còn giá trị;
– Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 28 của Luật này.
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh
Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của
Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 28 không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật tương trợ tư pháp.
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn.
Các trường hợp cấp thường trú cho người nước ngoài gồm:
– Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
– Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.
– Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
– Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. (Điều 39)
Điều kiện xét cho thường trú được quy định tại Điều 40 như sau:
“1. Người nước ngoài quy định tại Điều 39 của Luật này được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.
3. Người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.”