Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là gì? Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân?
Chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là những chất, vật liệu có một vai trò nhất định trong sự phát triển các sản xuất vũ khí, năng lượng điện của Nhà nước. Tuy nhiên, đây là những chất có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, sự phát triển của sinh vật, vì vậy việc quản lý đối với nó là cực kỳ quan trọng, cần có sự chặt chẽ. Việc vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân được coi là tội phạm theo quy định của
1. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là gì?
Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân, gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hoá học có khả năng phát ra các chùm tia An-pha, Bê-ta, Gam-ma… Tác hại đặc trưng của chất phóng xạ là gây bệnh, phóng xạ đối với người và động vật.
Vật liệu hạt nhân là những loại vật liệu có khả năng phân hạch bao gồm plutoni có hàm lượng đồng vị plutoni 238 không lớn hơn 80%, urani 233, urani đã làm giàu đồng vị urani 235 hoặc đồng vị urani 233, urani có thành phần đồng vị như trong tự nhiên trừ urani dưới dạng quặng hoặc đuôi quặng (Theo Điều 3
Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi luật định thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
2. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong Tiếng anh là gì?
Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong Tiếng anh là “Offences against regulations of law on management of radioactive substances and nuclear materials”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân?
Điều 310
“1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù tù 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201 % trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
* Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân xâm phạm vào các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ, đó là những quy định nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán các chất phóng xạ để bảo vệ môi trường sổng, tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người.
Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan được mô tả tại Điều 310 là: vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Hành vi vi phạm có thể được thể hiện ở việc không làm hoặc làm không đầy đủ, làm không đúng yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến việc rò rỉ các chất phóng xạ.
Trong đó, quản lý là việc phụ trách hay đảm nhiệm một nhiệm vụ nào đó mà phải đảm bảo cho nó được vận hành một cách thông suốt, đúng quy trình, đúng pháp luật; sản xuất là hành vi làm ra sản phẩm là chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân; sử dụng là việc đưa chất phóng xạ, hạt nhân vào các mục đích nhất định; lưu giữ là việc bảo quản chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân ở kho bãi, nhà máy, bồn,…; vận chuyển là việc đưa chất phóng xạ, vật liệu từ địa điểm này đến địa điểm khác đáp ứng các điều kiện về phương tiện vận chuyển, điều kiện đảm bảo cháy nổ; mua bán là hành vi trao đổi chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân để nhận lại một lợi ích vật chất khác (chủ yếu là tiền); xử lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân chủ yếu là các chất thải của nó, trách tình trạng tràn lan ra bên ngoài, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh vật và con người.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội phải gây ra các hậu quả sau:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Giữa hành vi phạm tội và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả.
Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân với lỗi vô ý,người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Dấu hiệu chủ thể của tội phạm:
Là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định, đồng thời chủ thể thực hiện tội phạm phải là người có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
Hình phạt áp dụng:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tù tù 15 năm đến 20 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201 % trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 310 BLHS nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
So với Điều 237 BLHS năm 1999, Điều 310 BLHS năm 2015 có điểm mới là:
– Bổ sung đối tượng tác động của tội phạm gồm cả “vật liệu hạt nhân”.
– Bổ sung hành vi vi phạm quy định về xử lý vật liệu hạt nhân trong cấu thành tội phạm của Điều luật.
– Cụ thể hóa các tình tiết định tính (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) thành các dấu hiệu định lượng cụ thể cụ thể về tính mạng, sức khỏe, tài sản tại từng khoản của Điều luật.
– Cụ thể hóa “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” bằng những thiệt hại cụ thể có khả năng thực tế xảy ra nếu không được ngăn chặn kịp thời, đó là có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản 3 Điều luật: làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.
Thực tiễn tội phạm này chưa được phát hiện và xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền, chỉ có chủ yếu là các tội liên quan đến quản lý chất thải nguy hại (trong đó có chất thải phóng xạ), điều này xuất phát từ việc chất phóng xạ và vật liệu hạt nhân ở nước ta chưa thực sự phát triển, chủ yếu thực hiện hoạt động nhập khẩu mà không có sự sản xuất trong nước. Tuy nhiên điều này không loại trừ hay xem nhẹ trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền trong việc quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân.