Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là gì? Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng?
Với những tính năng đặc biệt cũng như vai trò của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ điều này “cho phép” các hoạt động sản xuất, nhập khẩu các đối tượng này một cách hợp pháp nhằm phục vụ những mục đích nhất định. Tuy nhiên quá trình quản lý, giữ phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, việc thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
1. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là gì?
– Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
– Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
+ Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
+ Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
+ Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
– Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
– Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
– Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
+ Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
+ Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
– Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
+ Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
+ Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
– Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
– Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.
– Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
+ Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
+ Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
+ Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
+ Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
+ Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
+ Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ để người khác sử dụng và gây ra hậu quả được quy định tại Bộ luật hình sự.
2. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng trong Tiếng anh là gì?
Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng trong Tiếng anh là “Negligence in management of weapons, explosive materials, and combat gears that results in serious consequences”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng?
Điều 308 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổngtỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm tới an toàn công cộng, trật tự quản lý nhà nước trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.
Đối tượng tác động của tội này là vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm
Hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm là hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ , tức là việc chủ thể phạm tội đã không cất giữ các đối tượng trên đúng nơi quy định, hoặc để ở nơi không an toàn để cho nó lọt vào tay của người khác. Hành vi phạm tội có thể được thể hiện ở việc chủ thể thực hiện tội phạm đã kích hoạt tính năng của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, việc thực hiện các hành vi khách quan phải gây ra:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Người phạm tội thực hiện với lỗi vô ý. Nếu người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm trong một tội phạm khác.
3.4. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Người thực hiện hành vi phạm tội là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ độ tuổi luật định. Bên cạnh đó, chủ thể phạm tội còn có dấu hiệu đặc biệt là người được giao giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hợp pháp như công an, bộ đội,.. và có các điều kiện sau:
+ Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;
+ Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của
+ Người đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;
+ Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
3.5. Hình phạt áp dụng.
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
-Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, mặc dù người thực hiện tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, nhưng xem xét hậu quả của hành vi ta thấy răng, việc quy định các mức hình phạt như trên là hợp lý, đánh giá khách quan được giữa hành vi và hậu quả, là cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền xem xét truy tố trách nhiệm hình sự hiệu quả.