Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là gì? Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?
Thuở sơ khai, các thế lực khác nhau luôn tìm cách chinh phục những vùng đất mới bằng việc tạo ra hàng loạt các cuộc chiến tranh xâm lược. Đến thế giới hiện đại, khi mà các quyền con người được đề cao, trong đó có quyền được sống trong một thế giới hòa bình, ấm no, hạnh phúc được đặt lên hàng đầu thì các quốc gia luôn xây dựng các thể chế để hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho công dân của mình. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tìm mọi cách để phá vỡ đi sự bình yên của đất nước bằng việc thực hiện các hành vi phá hoại, gây hấn,…với tham vọng chiếm lĩnh, biến cái của người thành của ta. Chính vì vậy mà tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược từ lâu đã được hình sự hóa. Vậy tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là gì và được quy định trong Bộ luật hình sự ra sao?
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là gì?
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác bằng hành vi tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược.
2. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược tiếng Anh là gì?
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược trong tiếng Anh là “Disruption of peace, provocation of war of aggression”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược được quy định tại Điều 421 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
1. Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”
4. Dấu hiệu pháp lý
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
Hành vi tuyên truyền chiến tranh xâm lược là hành vi truyền bá cuộc chiến tranh do một nhà nước, hoặc liên minh các nhà nước tiến hành nhằm xâm lược nước khác một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại các cuộc hội nghị, hội thảo… nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
Hành vi kích động chiến tranh xâm lược là hành vi tác động về mặt tinh thần nhằm thay đổi thái độ của người khác đồng tình, tham gia chiến tranh xâm lược chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
Hành vi chuẩn bị chiến tranh xâm lược là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết về lực lượng, cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện quân sự, các điều kiện vật chất, tinh thần khác cho một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
Hành vi tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược là đưa quân đến lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác hoặc cung cấp tiền bạc, vũ khí cho quân đội của nước đi xâm lược; cử các cố vấn quân sự tham gia cùng quân đội của nước đi xâm lược hoặc trực tiếp tham gia vào quân đội của nước đi xâm lược nước khác, v.v…
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Mục đích phạm tội là nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Người có năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng kìm chế để lựa chọn thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ được coi là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự đòi hỏi phải đáp ứng 2 dấu hiệu:
– Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.
– Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người không có năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Vì vậy, họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính chất xã hội của hành vi của mình nhưng do bệnh lý không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại Khoản 1
Người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nên người đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phạm tội này sẽ không bị áp dụng hình phạt là tù chung thân.
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Khung hình phạt tại Khoản 2
Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Nếu Khoản 1 là khung hình phạt cơ bản với mức cao nhất là tử hình thì Khoản 2 là khung hình phạt giảm nhẹ. Theo đó, trong trường hợp người phạm tội bị người khác ép buộc hoặc do phải thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì mức hình phạt được giảm, cao nhất là 20 năm tù giam.
Phạm tội do thi hành mệnh lệnh của cấp trên trong trường hợp này không thuộc loại trừ trách nhiệm hình sự.
Theo đó, Điều 26 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 421, Khoản 2 Điều 422 và Khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này”.
Chính vì vậy mà ngay cả khi người phạm tội thực hiện hành vi tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác theo mệnh lệnh của cấp trên hoặc dù người phạm tội đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì trong mọi trường hợp vẫn phải chịu hình phạt theo Khoản 2 Điều 421 Bộ luật hình sự về tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Quy định trên xuất phát từ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các tội danh trên, nên các nhà lập pháp đã xác định sẽ không có trường hợp ngoại lệ cho những loại tội phạm này. Nếu có ngoại lệ thì an ninh quốc phòng đất nước sẽ bị đe dọa.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người thi hành mệnh lệnh thì pháp luật cũng cần có quy định cụ thể về hình thức ra mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên và quy trình báo cáo của người thi hành mệnh lệnh như: Mệnh lệnh bằng lời nói và mệnh lệnh bằng văn bản (quyết định, chỉ thị…).
Đối với mệnh lệnh bằng lời nói, cần có người chứng kiến (vì thực tiễn đã có rất nhiều vụ việc người chỉ huy hoặc cấp trên ra mệnh lệnh, nhưng khi hậu quả xảy ra lại không công nhận mệnh lệnh của mình), do đó, dẫn đến oan sai cho người thi hành mệnh lệnh. Trong trường hợp giao nhiệm vụ chỉ có hai người thì rất khó chứng minh việc có giao mệnh lệnh hay không. Đối với trường hợp báo cáo đầy đủ của cấp dưới cũng cần quy định theo hướng như ra mệnh lệnh. Trong trường hợp người thi hành báo cáo về mệnh lệnh cũng cần có sự chứng kiến của người thứ ba.