Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực TNHS, có chức vụ, quyền hạn thực hiện trái pháp luật, sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình vượt quá trách nhiệm được phân công để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Tham nhũng nói chung và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nói riêng không chỉ là vấn đề mang tính quốc gia, đây là vấn nạn mang tính quốc tế, là hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có sự phân chia giai cấp và có nhà nước. Các hành vi này luôn gắn liền với các chủ thể có chức vụ, quyền hạn, có quyền lực nhà nước. Các chủ thể này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, quyền lực nhà nước để thực hiện các hành vi trái với quy định của pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, trục lợi cho bản thân hay người thân của họ. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của đất nước, nó làm suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Đảng và nhà nước đã chỉ đạo, quyết tâm đấu tranh, phòng chống các hành vi tham nhũng nói chung và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nói riêng, đảm bảo bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.
Trong Công ước quốc tế về chống tham nhũng ngày 29/9/2003 của Liên hợp quốc cũng đã có những quy định cụ thể về các hành vi liên quan đến tham nhũng. Tại Điều 19 Công ước này quy định về hành vi lạm dụng chức năng, theo đó:
Mỗi Quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm khi được thực hiện một cách cố ý, hành vi vi phạm pháp luật, hành động hoặc không hành động, của một công chức lạm dụng chức năng hay vị trí của mình, khi thi hành công vụ nhằm mục đích đạt được một lợi ích không chính đáng cho bản thân, cho người hay tổ chức khác.
Thuật ngữ “lạm dụng chức năng” trong Công ước có nội hàm rộng, bao hàm cả hành vi lạm dụng chức vụ và lạm dụng quyền hạn. Tuy nhiên, cũng trong Điều luật này quy định “... một công chức...”, như vậy khi áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam thì quy định này chưa đầy đủ, chưa phản ánh và bao hàm hết được các chủ thể của tội phạm.
Xét về mặt ngôn ngữ, lạm dụng là từ ghép, “lạm” là vượt lấn quá phạm vi, giới hạn được quy định, cho phép; “dụng” có nghĩa là dùng, là việc lấy vật liệu, phương tiện để nhằm tạo ra cái gì, thực hiện việc gì. “Lạm dụng” là dùng, sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã được quy định.
Chức vụ là nhiệm vụ tương ứng với chức. Chức vụ là sự đảm nhiệm một vị trí, vai trò, địa vị nào đó trong một tổ chức, một tập thể cụ thể. Người nắm chức vụ thường là người nắm giữ quyền lực trong một tập thể, được tổ chức, tập thể đó công nhận và quản lý. Chức vụ có được là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác theo quy định.
Quyền hạn là quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ [29, tr.815]. Là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhân cho được hưởng, được làm, được yêu cầu, đòi hỏi trong một phạm vi, mức độ và nội dung xác định. Quyền hạn là quyền tự chủ trong hành động, trong quá trình quyết định và đòi hỏi sự tuân thủ quyết định gắn liền với một vị trí, chức vụ nhất định trong tổ chức. Là quyền của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được xác định theo phạm vi về nội dung, lĩnh vực hoạt động, chức vụ, vị trí công tác và trong phạm vi không gian, thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật.
Như vậy, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là việc chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật, là việc chủ thể đó dùng, sử dụng quá mức, quá giới hạn quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của mình để làm, thực hiện việc gì đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, trục lợi cho bản thân hoặc người thân.
Về mặt pháp lý, người có chức vụ, quyền hạn là người trong cơ quan, tổ chức của nhà nước, họ có thẩm quyền tiến hành các hoạt động mang tính pháp lý, bắt đầu, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật. Người có chức vụ, quyền hạn làm việc, thực hiện quyền lực, nhiệm vụ trong giới hạn phạm vi quyền được giao và hoạt động trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, trục lợi cho bản thân hoặc người thân.
Tại BLHS năm 2015 quy định cụ thể khái niệm về tội phạm, theo đó:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Từ những phân tích trên có thể khái quát và đưa ra định nghĩa về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau: Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và có chức vụ, quyền hạn thực hiện trái pháp luật, sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình vượt quá trách nhiệm được phân công để chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm trực tiếp các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và theo quy định của Bộ luật Hình sự phải xử lý bằng hình phạt.
2. Ý nghĩa của việc quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự:
Tham nhũng nói chung và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nói riêng đang là vấn nạn của toàn xã hội. Nó làm suy đồi tư tưởng đạo đức của đội ngũ cán bộ, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm suy yếu bộ máy của nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các lĩnh vực đời sống xã hội cũng như đời sống kinh tế khác, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân, kìm hãm sự phát triển của kinh tế – xã hội.
Việc quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vào trong BLHS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về tham nhũng và chức vụ. Đây là công cụ đắc lực của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền đấu tranh, bài trừ các hành vi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Giúp thanh lọc bộ máy nhà nước, xử lý các cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về đạo đức và tư tưởng, góp phần xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự công chính, nghiêm minh của pháp luật, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Mặt khác, việc quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vào trong luật giúp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ pháp lý cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm. Điều này giúp hoạt động tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý các vụ án liên quan đến chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, việc quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự còn là căn cứ pháp lý để xây dựng hệ thống các văn bản, các quy phạm pháp luật khác trong phòng chống tội phạm tham nhũng, đáp ứng nhu cầu nội luật hóa các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng năm 2003. Điều này giúp nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc quy định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vào trong BLHS có ý nghĩa, vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Góp phần xử lý nghiêm minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng kịp thời các đối tượng có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thanh lọc bộ máy nhà nước, loại bỏ những cán bộ, công chức suy thoái về đạo đức, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đồng thời nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng.