Tội huỷ hoại tài sản: Cấu thành tội phạm, mức phạt tù bao nhiêu? Cố ý gây hư hỏng tài sản của người khác thiệt hại bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Con người, để giải tỏa nỗi tức giận, bực bội của mình vì mâu thuẫn, vì bất đồng quan điểm sống hay chỉ vì những lý do cá nhân nhỏ nhặt mà không chỉ làm tổn thương người khác về mặt tinh thần, xâm phạm thân thể, sức khỏe mà còn có những hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của người khác. Cũng giống như các quyền nhân thân khác của con người, pháp luật cũng có những quy định nhằm bảo vệ tài sản của mỗi cá nhân – sự thể hiện của thành quả lao động, công sức tạo lập của mỗi cá nhân.
Chính bởi vậy, khi một người có hành vi hủy hoại tài sản của người khác thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. Vậy hiểu như thế nào về tội hủy hoại tài sản của người khác. Để giải quyết về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đôi ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương Gia sẽ đề cập đến cấu thành tội phạm cũng như mức phạt tù của Tội hủy hoại tài sản của người khác.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định về Tội hủy hoại tài sản của người khác được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Mục lục bài viết
1. Cấu thành tội phạm của Tội hủy hoại tài sản của người khác:
Trước hết, mặc dù trong quy định của các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm “cấu thành tội phạm”, tuy nhiên dựa trên lý luận chung có thể hiểu “cấu thành tội phạm” được hiểu là tổng hợp tất cả những dấu hiệu pháp lý, phản ánh đặc trưng của một tội phạm, là cơ sở để phân biệt tội phạm này với những tội phạm khác. Cấu thành tội phạm thường được thể hiện thông qua 4 yếu tố cơ bản: Mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể.
Đối với Tội hủy hoại tài sản của người khác, khi xác định các yếu tố cấu thành của tội phạm của tội này cần xem xét quy định tại Điều 178
- Về mặt khách quan của Tội hủy hoại tài sản.
Mặt khách quan của tội hủy hoại tài sản được thể hiện qua hành vi phạm tội là hành vi “hủy hoại tài sản”. Hủy hoại tài sản được hiểu là hành vi tác động đến tài sản làm cho tài sản bị tan nát, hư hỏng đến mức làm mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được nguyên gốc tài sản này. Việc hủy hoại tài sản có thể thực hiện thông qua các hành vi đập phá, hay dùng các vật dụng, nguyên liệu khác để tác động đến tài sản của người khác. Ví dụ: Dùng xăng đốt cháy nhà ở, xe ô tô đến thành tro bụi, không thể khắc phục được hoặc dùng búa đập vỡ bình hoa cổ đến mức tan nát không thể khôi phục được.
Hành vi khách quan này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là làm cho tài sản bị biến dạng, tan nát, hư hỏng hoàn toàn, làm mất hẳn giá trị sử dụng. Hậu quả xảy ra được xác định là yếu tố bắt buộc là căn cứ để xác định tội này, nếu hành vi phạm tội nhưng chưa ra gây ra hậu quả gây thiệt hại cho tài sản thì chưa thể cấu thành nên tội Hủy hoại tài sản của người khác. Trong đó, nếu căn cứ quy định của pháp luật thì hậu quả là yếu tố cấu thành mặt khách quan của Tội hủy hoại tài sản của người khác được xác định là thuộc một trong hai trường hợp:
– Giá trị của tài sản bị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên.
– Hoặc giá trị của tài sản bị thiệt hại dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích, hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc là di vật, cổ vật.
- Về mặt chủ quan của Tội hủy hoại tài sản.
Về mặt chủ quan của tội Hủy hoại tài sản, người phạm tội này được xác định là người có lỗi cố ý trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Điều đó có nghĩa là bản thân người phạm tội hoàn toàn biết và nhận thức được về hậu quả mà hành vi của mình sẽ gây ra nhưng vẫn cố ý để mặc cho hậu quả đó xảy ra, với mục đích hủy hoại đi tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác.
Hành vi phạm tội hủy hoại tài sản của người khác có thể xuất phát từ mục đích nhằm thỏa mãn cảm xúc giận dữ hoặc do tư thù cá nhân, mâu thuẫn, ghen tuông…. Mặc dù yếu tố động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc trong việc xác định tội Hủy hoại tài sản của người khác, nhưng ít nhiều động cơ phạm tội có thể cho thấy rõ những diễn biến tâm lý của người phạm tội, là cơ sở để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội.
- Về mặt khách thể của Tội hủy hoại tài sản.
Về mặt khách thể, Tội hủy hoại tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu của chủ tài sản với tài sản bị hủy hoại, mà không ảnh hưởng gì đến quan hệ nhân thân của chủ sở hữu tài sản.
- Về mặt chủ thể của Tội hủy hoại tài sản.
Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong Tội hủy hoại tài sản của người khác được xác định là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội hủy hoại tài sản của người khác nếu khung hình phạt được quy định tại khoản 3, 4 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, vì đây là những trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Còn người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại tài sản của người khác trong tất cả các trường hợp khi có hành vi hủy hoại tài sản của người khác.
Qua phân tích ở trên, có thể hiểu, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 nếu như đồng thời đáp ứng đủ cả 04 yếu tố cấu thành tội phạm được xác định ở trên.
2. Mức phạt tù có thể áp dụng đối với tội hủy hoại tài sản của người khác:
Khi một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại tài sản của người khác thì để xác định mức phạt tù mà
– Khung hình phạt: Người phạm tội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức hình phạt này được áp dụng đối với những người phạm tội hủy hoại tài sản của người khác mà thuộc một trong các trường hợp:
+ Giá trị tài sản bị hủy hoại được xác định từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Giá trị tài sản bị hủy hoại dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: tài sản bị hủy hoại là di vật, cổ vật, là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; hoặc người phạm tội đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa tiền sự, xóa án tích; hoặc thuộc trường hợp hủy hoại tài sản nhưng có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội.
– Khung hình phạt: Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Mức hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội hủy hoại tài sản mà thuộc vào một trong các trường hợp sau:
+ Trị giá tài sản thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
+ Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với những đồng phạm khác, có tính chất có tổ chức.
+ Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với những mánh khóe, thủ đoạn nguy hiểm hoặc sử dụng những chất nguy hiểm về cháy nổ để thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ, vì mâu thuẫn cá nhân, anh A muốn hủy hoại chiếc xe ô tô mới mua của anh B. Để thực hiện hành vi này, anh A đã đột nhập vào nhà và sử dụng xăng để đốt chiếc xe của anh B. Tuy nhiên, hành vi dùng xăng đốt của anh A không chỉ làm cháy nổ, hủy hoại hoàn toàn chiếc xe của anh B, mà còn gây cháy nổ, ảnh hưởng đến một số tài sản khác của anh B. Trường hợp này, hành vi hủy hoại tài sản của anh A được đánh giá là có sử dụng các chất nguy hiểm về cháy nổ trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
+ Người phạm tội đã từng thực hiện hành vi phạm tội trước đó, nay tiếp tục phạm tội và có tính chất tái phạm nguy hiểm.
+ Người phạm tội thực hiện hành vi hủy hoại tài sản người khác nhưng để nhằm mục đích che giấu những tội phạm khác.
Ví dụ: Một người do mâu thuẫn nên đã đột nhập, tấn công và giết chết một người từ phía sau khi người bị hại đang mở cửa xe ô tô. Sau khi giết người, người phạm tội đã chở người đã chết đến bãi đất vắng, và “tưới” xăng đốt cháy hoàn toàn chiếc xe ô tô của người bị hại nhằm mục đích phi tang “sạch sẽ” tất cả những chứng cứ, dấu vết về việc giết người và gây khó khăn trong việc nhận dạng người bị hại. Có thể thấy, hành vi dùng xăng đốt, hủy hoại hoàn toàn chiếc xe của nạn nhân là hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Tuy nhiên, hành vi này để nhằm che dấu, và làm rối loạn hiện trường của tội giết người mà người phạm tội đã thực hiện trước đó.
+ Người phạm tội hủy hoại tài sản của người khác xuất phát từ động cơ vì lý do công vụ của người bị hại.
– Khung hình phạt: Người phạm tội bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Mức hình phạt này áp dụng đối với người phạm tội hủy hoại tài sản mà trị giá tài sản thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Khung hình phạt: Người phạm tội bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm nếu có hành vi hủy hoại tài sản của người khác mà trị giá tài sản bị thiệt hại từ 500.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, Tội hủy hoại tài sản của người khác là một trong những tội danh áp dụng đối với người phạm tội có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của mỗi cá nhân. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền hợp pháp của cá nhân được pháp luật bảo hộ. Chính vì vậy, khi một người có hành vi hủy hoại tài sản của người khác thì họ đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những mức hình phạt khác nhau phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm và mức độ thực hiện hành vi phạm tội.