Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác là gì? Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác? Điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 về tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác?
Mỗi cơ quan, tổ chức đều có các bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó. Vì vậy, hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác được Bộ luật hình sự ghi nhận là tội phạm, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống các tội phạm về chức vụ.
1. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác là gì?
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác) cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác.
2. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là gì?
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là “Deliberate revelation of work secrets; appropriation, trading, destruction of work secret documents”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác?
Điều 361
“1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
e) Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác được xếp vào chương các tội về chức vụ, và ở mục các tội phạm về chức vụ khác. Tội phạm này xâm phạm đến quy tắc, trật tự quản lý nhà nước trong công tác bảo mật thông tin và tài liệu bí mật công tác.
3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm gồm 4 loại hành vi, cụ thể:
– Hành vi làm lộ bí mật công tác: Đây là hành vi để cho người không có trách nhiệm biết bí mật công tác như để người không có trách nhiệm nghe được, đọc được, chụp được bí mật công tác…
– Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác: Đây là hành vi chiếm đoạt tài liệu chứa đựng bí mật công tác băng những thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực, lén lút, lừa dối… Các thủ đoạn này tương tự như các thủ doan chiếm đoạt của các tội xâm phạm sở hữu.
– Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác: Đây là hành vi trao đổi giữa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác với tài liệu bí mật công tác. Trường hợp dùng tài liệu bí mật công tác để thanh toán dịch vụ nhất định cũng thuộc hành vi mua bán.
– Hành vi tiêu hủy tài liệu bí mật công tác: Đây là hành vi làm cho tài liệu bí mật công tác không còn như đốt, xé, dùng hóa chất để tẩy xóa hoặc bằng cách khác làm cho tài liệu chứa đựng bí mật công tác mất hắn nội dung không thể khôi phục lại được.
Đối tượng tác động của các tội trên là bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác. Bí mật công tác có mức độ quan trọng thấp hơn bí mật nhà nước. Bí mật công tác là những bí mật có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức. Bí mật công tác cũng được xem là bí mật nhà nước nhưng bí mật công tác gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Nếu bí mật công tác thuộc độ tuyệt mật và tối mật được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước thì không còn là bí mật công tác mà thuộc bí mật nhà nước
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước đều xâm phạm đến một loại khách thể đó là “bí mật”. Chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi luật định, còn chủ thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, không phải người có chức vụ, quyền hạn nào mà cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật công tác, mà phải căn cứ vào bí mật đó thuộc lĩnh vực nào.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết nội dung thông tin là bí mật công tác, biết tài liệu chứa đựng bí mật công tác khi thực hiện hành vi khách quan được quy định.
Ngoài các dấu hiệu được quy định trên, Điều luật còn quy định dấu hiệu “… nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110 (Tội gián điệp), 337(Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước) và 342 (Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) của Bộ luật này….”.
3.4. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm này là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác chủ thể thường là người có chức vụ, quyền hạn, nắm bắt được nhiều bí mật thông tin.
3.5. Hình phạt áp dụng.
Điều 361 quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm..
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
+ Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
– Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với
Điều 222 Bộ luật hình sự 1985 quy định như sau:
Điều 222. “Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác”
“1- Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 74 và Điều 92, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
“Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác được ghi nhận lần đầu tiên tại Bộ luật hình sự năm 1985 với tên gọi là “Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác.” và được sử dụng tên tội cho đến Bộ luật hình sự năm 2015.
– Các điều luật đều quy định 2 khung hình phạt chính với hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Đối với Bộ luật hình sự năm 1985 không áp dụng hình phạt bổ sung với tội phạm này.
– Ở Bộ luật hình sự năm 1985 và 1999 đều áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “gây hậu quả nghiêm trọng”, chỉnh sửa quy định này, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rõ hơn bằng các tình tiết “Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên”, “Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức”, “Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” và bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như ” Có tổ chức”, “Phạm tội 02 lần trở lên”, “Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên”.