Tòa án đã đưa ra bản án trái với lời tuyên án đọc tại phiên tòa. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án đã đưa ra bản án trái với lời tuyên án đọc tại phiên tòa. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư! Chị em làm kế toán cho công ty mua bán hóa đơn và đã bị xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo. Khi thẩm phán đọc kết quả tại phiên tòa có kết luận : do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, trong thời gian nuôi con nhỏ nên miễn cho không phải nộp lại tiền. Nhưng sau 1 tuần đi nhận bản án lại kết luận buộc phải nộp lại toàn bộ số tiền làm công ăn lương đã hưởng là 75 triệu đồng để xung công quỹ. Trên thực tế số tiền đó là tiền lương được hưởng chứ không hề được ăn chia phần trăm từ việc mua bán hóa đơn. Trong bản cáo trạng cúng nêu rõ như vậy. Mong luật sư tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
2. Luật sư tư vấn:
Trường hợp thứ nhất, bản án của bạn là bản án sơ thẩm
Vì Tòa án đã đưa ra bản án trái với lời tuyên án đọc tại phiên tòa nên bạn có quyền kháng cáo về bản án sơ thẩm này.
Căn cứ Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì những người có quyền kháng cáo bao gồm:
– Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
– Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi íích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
– Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
– Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.
Về thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 234, 235 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
"Điều 234. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị
1. Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
2. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ởphong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.
Điều 235. Kháng cáo quá hạn
1. Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.
2. Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn."
Việc kháng cáo quá hạn được quy định chi tiết tại Khoản 5, Mục I, Nghị quyết 05/2015/NQ-HĐTP
Về thủ tục kháng cáo căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì:
“Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp có kháng cáo thì Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm sẽ là Tòa án nhân dân cấp tỉnh và hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị được quy định tại Điều 237, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
"Điều 237. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
1. Những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành.
2. Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị."
Trường hợp thứ hai, bản án của bạn là bản án phúc thẩm
Vì Tòa án đã đưa ra bản án trái với lời tuyên án đọc tại phiên tòa nên bạn có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về bản án phúc thẩm này.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 278, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
“Điều 278. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 bao gồm:
– Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
– Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
– Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;
– Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.
Khi phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
“Điều 275. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.”